Hầu hết chúng ta nghe và nói rất nhiều về việc lan tỏa thông tin tích cực, nhưng thế nào là thông tin tích cực hay trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vấn đề này như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Trên thực tế, trước
khi đặt ra vấn đề trách nhiệm của mình thì các cán bộ, đảng viên trong vai trò
của một công dân cũng luôn quan tâm đến việc lan tỏa thông tin để góp phần làm
cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế nào là thông tin
tích cực?
Hiểu một cách phổ
biến, thông tin tích cực là thông tin đúng đắn, chính xác về một sự việc, một
nhân vật, một mô hình, một giải pháp hay, có ý nghĩa, có giá trị. Thông tin đó
có thể gieo cho người đọc những nhận thức, tình cảm tốt đẹp; có thể thúc đẩy
người tiếp nhận có suy nghĩ tích cực, từ đó có hành vi tích cực; cung cấp cho
người đọc những kiến thức, nhận thức đúng đắn, phù hợp, có ý nghĩa thiết thực…
Thí dụ, hồi tháng 6/2021, báo chí đăng về việc anh Lại Văn Cường (32 tuổi) và
vợ là chị Bùi Thị Hương (29 tuổi), tạm trú tại khu phố 1, phường Long Bình Tân,
TP Biên Hòa (Đồng Nai), khi nhặt được điện thoại Iphone 11 đã chủ động đăng
facebook, dán tờ rơi… tìm chủ nhân để trả lại. Anh Cường là người khuyết tật,
đang mưu sinh bằng nghề bán vé số…. Câu chuyện này hẳn sẽ thúc đẩy suy nghĩ tốt
đẹp, lương thiện trong hầu hết người tiếp nhận.
Có khi, đó là thông
tin xác định rõ một vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau hoặc bác bỏ một thông
tin sai trái đang được lưu truyền; hoặc là thông tin giải đáp được thắc mắc,
nghi vấn của nhiều người về một vấn đề nào đó.
Do đó, nhìn rộng ra,
thông tin tích cực chính là các thông tin giúp củng cố lòng tin đối với tổ
chức, cá nhân, dư luận xã hội…
Chọn thông tin tích
cực để lan tỏa
Mỗi cán bộ, đảng viên
phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin tích cực, cả ở khía cạnh phải
chọn thông tin phù hợp và thường xuyên thực hiện việc lan tỏa các thông tin đó.
Mỗi người trước khi chia sẻ phải tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân
tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào
được lan truyền rộng rãi, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin
chính xác, đúng đắn. Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực
của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa
biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Tuyệt đối không nên xác tín theo cách
“thông tin do mạng A nói”, “do ông X trên mạng B nói”… mà phải căn cứ trên
những nguồn thông tin chính thức, chính thống. Như trong đợt dịch năm 2021, rất
nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ các chỉ dẫn được cho là của Phó Thủ tướng
Vũ Đức Đam nhưng trên thực tế lại không phải như vậy.
Đồng thời, phải chú ý
chọn thông tin nào mà mình tin là đúng, cảm nhận được cái hay, cái đẹp, bản
thân được truyền cảm hứng. Mỗi người phải luôn ý thức rằng thông tin của mình
sẽ có người đọc và ít nhiều chịu tác động, nên chọn thông tin tốt nhất, hay
nhất, có ích nhất, ý nghĩa nhất.
Không chỉ vậy, là cán
bộ, đảng viên còn phải luôn nghĩ đến liệu thông tin có gây hiểu lầm hoặc thúc
đẩy ai đó nhận thức sai lệch không; nếu cảm thấy có thì không chia sẻ.
Gợi ý cách lan tỏa
thông tin tích cực
Mỗi cán bộ, đảng viên
có thể sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình
để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho
xã hội và đất nước. Điều này hiện có thể được thực hiện dễ dàng bởi hầu hết
chúng ta đều có ít nhất một tài khoản mạng xã hội; một số người còn có nhiều
tài khoản đồng thời ở facebook, instagram, zalo, twitter…
Chúng ta cũng có thể
đăng trên các trang diễn đàn (trên mạng internet hoặc các nền tảng mạng xã
hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin mà mình có căn
cứ xác thực cho là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.
Chẳng hạn, khi có căn cứ bác bỏ một thông tin chưa đúng, chúng ta có thể đưa
thông tin đó vào các trang, nhóm có đông người theo dõi để tạo sự lan tỏa nhanh
hơn, rộng hơn.
Trong điều kiện của
mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tuyên truyền, động viên để nhiều người khác
hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử
dụng mạng internet và mạng xã hội. Với các cơ quan có quy chuẩn thì nên khuyến
khích mọi người thực hiện theo quy chuẩn đó; hoặc gợi ý mọi người những cách
thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ
hiểu, dễ thực hiện.
Trên trang mạng xã hội
của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp
hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận
động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo
người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau… Đồng thời, tích cực giới thiệu,
quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị, về
TPHCM và đất nước…; làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình
tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… Việc góp phần lan tỏa những
thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay đó không chỉ giúp người khác thưởng
lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động của họ, từ đó có
thêm những hành động tích cực khác.
Sau cùng, chúng ta nên
luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin…
trên mạng internet và mạng xã hội. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn ý
thức rằng mỗi thông tin, mỗi status mình đưa lên “có ích gì cho ai không”, chứ
không phải nghĩ đến câu hỏi “có hại gì cho ai không”. Bởi trách nhiệm của chúng
ta là đồng thời phải làm lan tỏa thông tin tích cực và tìm cách hạn chế, đẩy
lùi các thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc./.
ST
Đăng nhận xét