Từ trước tới nay, vấn đề dân tộc luôn liên quan tới sự ổn định và phát triển của các quốc gia và đối với mỗi quốc gia khi có những vấn đề phức tạp liên quan đến dân tộc mà không được giải quyết thấu đáo sẽ tạo ra nguy cơ bùng phát tình trạng xung đột, ly khai. Bên cạnh đó, cùng với các vấn đề dân chủ, nhân quyền vấn đề dân tộc cũng là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế; là một tiêu chí để đánh giá mức độ tiến bộ, phát triển của một quốc gia.



 Những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã có những đánh giá tích cực về những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT - XH), trong đó có các vấn đề về dân tộc, trong đó quyền bình đẳng, sự đoàn kết và sự phát triển, tiến bộ tích cực của các dân tộc có ý nghĩa quan trọng để tăng cường hội nhập kinh tế thế giới, phát triển toàn diện đất nước.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về vấn đề dân tộc ở Việt Nam, không tránh khỏi những vấn đề còn thiếu sót do đó các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, với Việt Nam thường lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo, tình hình dân tộc, nhằm chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng lợi dụng những vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, ly khai; kích động, chia rẽ quan hệ giữa các dân tộc hòng làm cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc suy yếu; mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, di cư tự do, gây mất ổn định chính trị, xã hội, bạo loạn, tạo các điểm nóng để vu khống Việt Nam đàn áp các dân tộc vi phạm dân chủ, nhân quyền...

Trái ngược lại với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thì nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương nhất quán về chính sách dân tộc đó là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau giữa các dân tộc; chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Đặc biệt trong hơn 35 năm đổi mới, thực tế đã cho thấy ở Việt Nam quyền của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm. Các chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới ưu tiên cao nhất để thực hiện quyền phát triển của các dân tộc. Với những điều kiện thuận lợi mở ra đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những chủ trương và kết quả trên, những năm qua Liên Hợp quốc đã luôn đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam.

Thế nhưng, từ sau khi xảy ra vụ việc nhóm đối tượng trang bị vũ khí, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6 làm 4 cán bộ Công an xã hy sinh, 2 cán bộ xã và 3 người dân thiệt mạng, 2 cán bộ Công an xã bị trọng thương, trên một vài trang mạng ở nước ngoài cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ việc là do Nhà nước Việt Nam vi phạm chính sách dân tộc, không công bằng giữa các dân tộc ở Tây Nguyên và cho rằng “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, kích động người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên “đuổi người Kinh về đồng bằng” vì “người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”… đây là những luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắng trợn và càng cho thấy âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là rất nham hiểm, xảo quyệt...

Sau vụ việc ở Đắk Lắk mọi người cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam và cần nêu cao ý thức cảnh giác, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại của chúng từ đó làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng về vấn đề dân tộc đối với Việt Nam./.

 

Đăng nhận xét

 
Top