Trong thời đại ngày nay, nhân quyền được khẳng định là một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể loài người. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc cụ thể hóa nhân quyền luôn có quan hệ trực tiếp với quan niệm, định hướng phát triển của chế độ chính trị – xã hội ở mỗi quốc gia và một số yếu tố của truyền thống văn hóa.



Có thể nói một trong các chuyển dịch tinh thần quan trọng nhất của nhân loại ngày nay là sự phát triển nhận thức về quyền và vai trò của con người trong xã hội. Nhân quyền trở thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đánh giá sự phát triển ở mỗi quốc gia. Ý thức về quyền con người cũng trở thành một tiêu chí hàng đầu cấu thành ý thức, phẩm chất của mỗi người. Vì thế trong thời hiện đại, với mọi xã hội văn minh, nhân quyền luôn là giá trị biểu thị cho quyền tối thượng của con người khi sống trong xã hội. Và như thế trong các quan hệ quốc tế, cũng không thể áp đặt về nhân quyền theo quan niệm riêng, không thể sử dụng nhân quyền làm công cụ “mặc cả” giữa các quốc gia; muốn xem xét, đánh giá về tình hình nhân quyền ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất là con người được tạo điều kiện phát triển, được hưởng các quyền của mình ra sao. Hội nghị về nhân quyền tổ chức ở Thái Lan từng khẳng định nhân quyền cần phải được xem xét: “trong bối cảnh của những cá biệt quốc gia và địa phương, các nền tảng lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau”, và “Theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia… Viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền là đối ngược với quyền phát triển…”. Từ khẳng định này có thể thấy, dù nhân quyền có tính phổ quát với toàn nhân loại thì việc thực thi nhân quyền lại phụ thuộc vào hệ thống giá trị chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa mà mỗi quốc gia theo đuổi; và nhân quyền không tồn tại trừu tượng, chung chung mà luôn phải cụ thể hóa để có thể nhận diện và cụ thể hóa như thế nào thì trước hết phụ thuộc vào định hướng, chính sách phát triển của mỗi quốc gia.

Tiếp cận một cách toàn diện, phải thấy rằng nhân quyền liên quan toàn bộ hoạt động sống của con người trên mọi lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa. Trong khi thực hiện các quyền của mình, mỗi người cần đặt các quyền đó trong tương quan với nghĩa vụ xã hội.

Tóm lại, đề cập nhân quyền trong phạm vi nào, ở cấp độ nào, với quốc gia nào vẫn cần nhận thức một số vấn đề cơ bản: 1- Nhân quyền có tính phổ quát song việc hiện thực hóa nhân quyền phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi quốc gia với các đặc điểm chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa riêng, không thể áp đặt về nhân quyền trong quan hệ quốc tế; 2- Trong khi thực hiện các quyền của mình, mỗi công dân cần phải tôn trọng các quyền của người khác và quyền của cộng đồng; 3- Việc thực thi nhân quyền phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng rất đáng tiếc, thực tế hiện nay đã cho thấy, vì lợi ích phi nhân quyền, một số thế lực đã và đang vi phạm các tiêu chí đã được LHQ khẳng định về quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn và quyết định về thể chế chính trị, quyền phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… Không chỉ vậy, tự coi quan niệm nhân quyền của riêng mình là mẫu số chung, bất chấp các đặc thù chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa, một số thế lực sử dụng nhân quyền làm công cụ áp đặt, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một số quốc gia trong đó có Việt Nam; thậm chí họ coi nhân quyền là điều kiện ký kết các văn bản liên kết kinh tế.

Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân danh nhân quyền như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Nhà tự do), AI (Ân xá quốc tế), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo)… cùng một số địa chỉ truyền thông phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI… rất nhiều thủ đoạn, mưu đồ đen tối đã được triển khai để từ “lên án vi phạm nhân quyền” tới can thiệp vào công việc nội bộ, tạo dựng tổ chức chống đối trong xã hội, mở “đột phá khẩu” để xâm lược bằng quân sự… Đồng thời nhằm tăng sức nặng cho mưu đồ, họ còn quảng bá một thứ nhân quyền ngoài khuôn khổ pháp luật, không quan tâm đến quyền của người khác và quyền của cộng đồng. Từ đó trong xã hội xuất hiện một số người tự coi mình là “số một”, lấy đó làm cơ sở để chọn kiểu sống ích kỷ và tàn nhẫn, xem thường mọi người, xem thường cộng đồng.

Song, dù nhân quyền được diễn giải như thế nào, dù ai đó tự thấy bản thân là “đại diện cho nhân quyền” rồi hăng hái cổ súy, yêu cầu người khác phải làm theo… thì vẫn chỉ là quan niệm, phát ngôn sáo rỗng nếu họ không có hành động cụ thể làm cho nhân quyền trở thành giá trị luôn thuộc về mọi người./.

St

Đăng nhận xét

 
Top