Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo đoàn kết, cùng chung sống hòa bình, thân thiện với nhau. Những năm qua, để​ thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn chú ý lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.



Để thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng những vấn đề "nhạy cảm" về tôn giáo đang được dư luận quan tâm để xuyên tạc, chống phá với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trên các trang mạng xã hội với nội dung chủ yếu là ở “Việt Nam không có tự do tôn giáo”. Mục đích thâm độc của chúng là nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng nhiều phương tiện, cách thức, thủ đoạn, như: các trang mạng xã hội, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế..., để một mặt ra sức tán dương tự do tôn giáo ở các nước phương Tây, mặt khác lại trắng trợn vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và ngang ngược yêu cầu hoạt động tôn giáo ở Việt Nam không cần sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, những luận điệu nêu trên hoàn toàn trái ngược với thực tiễn đời sống tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ở Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và Điều 24 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đồng thời, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng khẳng định: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.

Với những điều kiện và tình hình tôn giáo nêu trên, có thể thấy không ai có thể phủ nhận thực tế là chưa bao giờ các tôn giáo ở Việt Nam có điều kiện hoạt động thuận lợi và được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Các chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông và những cơ sở thờ tự ngày càng khang trang; các tôn giáo luôn có sự gắn kết, hết lòng đóng góp sức người, sức của trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết và phát triển đất nước hiện nay. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước vẫn cố tình không chấp nhận thực tế nêu trên; ngược lại, chúng lại tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Thậm chí có không ít cá nhân, tổ chức cực đoan tôn giáo còn trắng trợn vu cáo rằng “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”. Chưa hết, chúng còn lớn tiếng đòi “hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước”. Thử hỏi nếu không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì số người theo đạo và các chức sắc, chức việc tôn giáo có nhiều như hiện nay không?.

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, tôn giáo nói chung và giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo ở Việt Nam nói riêng không chỉ là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam mà còn có sức sống lâu bền và mãnh liệt. Hơn thế nữa, nó còn là bệ đỡ tinh thần, là động lực giúp tín đồ sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo./.

Đăng nhận xét

 
Top