Cơ trưởng Phùng Thiên Quân thực hiện chuyến bay đi Vũ Hán (Trung Quốc) đưa 30 công dân Việt Nam ở vùng dịch Covid-19 về nước, đã chia sẻ với phóng viên Thanh Niên về chuyến bay này.

"Tôi chỉ nghĩ làm sao hoàn thành nhiệm vụ" 
Vì sao anh lại tham gia chuyến bay này. Anh có thể chia sẻ thông tin về phi hành đoàn hôm đó?
Tôi và một cơ trưởng nữa cùng một cơ phó đã được giao nhiệm vụ thực hiện chuyến bay này, bởi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi được giao nhiệm vụ vì là những giáo viên huấn luyện bay lâu năm.
Tổ lái có 2 cơ trưởng, 1 cơ phó. Cơ trưởng thứ hai là anh Hoàng Đình Trang - huấn luyện viên lâu năm, giàu kinh nghiệm và chúng tôi từng học cùng nhau. Hai chúng tôi rất hiếm hoi mới có cơ hội cùng chung tổ bay vì đây là chuyến bay đặc biệt cần phải có 2 cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm.
Chặng từ Hà Nội đi Vũ Hán, tôi lái chính, chặng Vũ Hán về nước thì anh Trang là người điều khiển. Tổ tiếp viên cũng là những người có kinh nghiệm, sức khỏe và chuyên môn tốt. Trên chuyến bay không có tiếp viên nữ, vì chặng bay tới Vũ Hán có vận chuyển nhiều hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam và hãng bay, do đó, các nhân sự nam có thể tham gia việc bốc xếp hàng hóa xuống sân bay tốt hơn.

Khi nhận lệnh vào một vùng dịch, anh nghĩ gì?
Đối với Đoàn bay 919 của tôi, tất cả phi công đều luôn sẵn sàng cho những chuyến bay đặc biệt. Đoàn bay đã có kinh nghiệm vì thực hiện rất nhiều chuyến bay khẩn cấp đưa công dân Việt Nam khỏi những khu vực có tình hình chính trị, kinh tế, xã hội bất ổn. Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm mà Đảng, nhà nước giao cho Vietnam Airlines và Đoàn bay.
Tôi đã từng bay nhiều chuyến có tính chất đặc biệt. Vì thế, khi nhận được tin tôi sẽ là phi công trong chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, cảm nhận của tôi cũng như các chuyến bay chuyên cơ, hay những chuyến bay đảm bảo an ninh quốc gia đã từng được giao phó. Suy nghĩ của tôi chỉ là làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Đó là một nghĩa vụ rất thiêng liêng”
Nhưng sân bay lần này là một vùng dịch, có nguy cơ lấy nhiễm rất cao, anh có nghĩ đến những rủi ro cho bản thân và phi hành đoàn?
Có chứ, chúng tôi cũng không khỏi lo lắng. Thách thức lớn nhất đối với phi hành đoàn và các hành khách có lẽ là tâm lý sợ lây nhiễm. Để hạn chế tối đa tình huống này xảy ra, phi hành đoàn cũng như hành khách của chuyến bay đã được tổng công ty và Đoàn bay trang bị đầy đủ kiến thức, cũng như đồ bảo hộ đặc chủng, dụng cụ phòng chống dịch bệnh một cách tốt và an toàn nhất.

Chuyến bay này chúng tôi mặc đồ bảo hộ và mọi thao tác đều phải cẩn thận theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi thực hiện chuyến bay, mặc trên người bảo hộ đặc chủng 2 lớp rất khó chịu, trên máy bay nhiệt độ 26 độ C nên cũng nóng.
Theo kế hoạch, có phương án phi hành đoàn phải đóng bỉm để xử lý trường hợp phát sinh, nhưng thời gian bay không dài nên phương án này không phải sử dụng đến, mọi người đều khắc phục được.
Điều ấn tượng nhất với anh trên chuyến bay này là gì?
Điều ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến bay này là sứ mệnh vận chuyển những công dân Việt Nam đang ở trong vùng dịch trở về nước. Đó là một nghĩa vụ rất thiêng liêng bởi đó là những người đồng bào của mình.
Chúng tôi không nghĩ đến lây nhiễm đâu mà chỉ mong sao cho nhanh chóng đưa được họ ra khỏi vùng dịch vì tôi nghĩ họ cũng như người thân của mình. Nếu người thân mình đang trong tình trạng như vậy thì mình có lo lắng không? Vì vậy, nếu như có lây nhiễm thì mình cũng phải chấp nhận cách ly để chữa thôi.
Điều khiến tôi lo nhất là có tập hợp đủ 30 người ở sân bay để đón được họ theo dự kiến không vì lúc đầu danh sách chỉ có 29 người, đến sát ngày bay mới phát sinh thêm 1 người nữa. Nếu như chỉ 1 người không đến kịp giờ thì chuyến bay cũng không thể cất cánh.
May mắn là khi chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Vũ Hán thì cũng nhận được tin 30 người đã có mặt. Tuy nhiên, do công tác kiểm tra sức khỏe cho công dân của các bác sĩ Trung Quốc và Việt Nam trước khi lên máy bay rất kỹ nên chúng tôi phải chờ dài hơn dự kiến. Lúc đó tôi thấy thời gian sao mà dài đến vậy. Khi nhận được đủ 30 người trên máy bay và xin phép đóng cửa, chúng tôi mới phần nào nhẹ nhõm để khởi hành trở về ngay lập tức.
“Cố lên Pa Pa”
Dù anh đã quen với những chuyến bay đặc biệt nhưng còn gia đình, vợ con, họ có băn khoăn trước những chuyến đi như vậy?
Gia đình là điểm tựa giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Bố tôi vốn là phi công máy bay chiến đấu cùng thời của chú Phạm Tuân (phi công Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ). Bố luôn dạy tôi phải đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Vì thế, tinh thần “chiến đấu” chấp nhận gian khó, chấp nhận hy sinh đã ăn vào huyết quản của tôi.
Vợ tôi là người Nhật và tinh thần vì cộng đồng của người Nhật thì ai cũng biết rồi. Cô ấy và các con chỉ chúc tôi hoàn thành nhiệm vụ, chuyến bay an toàn, sớm về với gia đình. Đặc biệt, hai đứa con nhỏ của tôi còn vẽ tranh tặng ba. Anh con trai học lớp 4 thì vẽ, cô con gái 4 tuổi rưỡi thì tô. Cháu vẽ hình gia đình tôi với chiếc máy bay và lời chúc: “Cố lên Pa Pa”!
Khi nhận được bức tranh của con tôi đã rất xúc động, đó là nguồn động viên rất lớn đối với tôi. Tôi chỉ muốn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho tốt để trở về bên gia đình.
Trong thời gian cách ly kiểm tra theo dõi sức khỏe, điều anh nghĩ đến nhiều nhất là gì?
Tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của phi hành đoàn và 30 công dân chúng tôi đã đưa về nước. Hàng ngày chúng tôi được theo dõi thân nhiệt và chăm sóc chu đáo. Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin với nhau qua điện thoại; chụp ảnh nhiệt kế cho nhau xem. Tôi rất vui và cảm động khi biết mọi người đều trong tình trạng sức khoẻ tốt

Trên mạng xã hội có thông tin cho rằng phi hành đoàn trên chuyến bay này sẽ được thưởng nhiều tháng lương. Thực hư chuyện đó thế nào?
Như tôi đã chia sẻ, chúng tôi thực hiện chuyến bay là vì nhiệm vụ được giao và không có một ưu ái đặc biệt nào. Tôi cũng biết có những người suy nghĩ và tưởng rằng chúng tôi sẽ có được nhiều tiền từ chuyến bay như thế. Nhiều người còn lên án chúng tôi đã mang virus về Việt Nam.
Tôi thấy những suy nghĩ như vậy thật hẹp hòi. Đó là những người không có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Sao họ không nghĩ rằng nếu những người đó là người thân của họ? Tôi không bị ảnh hưởng bởi những "lời đồn" đó mà chỉ mà thấy tội nghiệp cho những suy nghĩ như vậy vì họ không bao giờ biết được cảm xúc vì cộng đồng nó như thế nào đâu. Bởi ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai.
ST

Đăng nhận xét

 
Top