Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.

Theo đó, văn bằng giáo dục đại học bao gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương tương sẽ bao gồm 10 nội dung chính cho biết tên văn bằng, ngành đào tạo, tên cơ sở cấp bằng, tên người được cấp bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có)… và bỏ qua thông tin về loại hình đào tạo, như trong quy định cũ.
Thay vào đó, những chữ thể hiện hình thức đào tạo ("chính quy", "tại chức", "đào tạo từ xa"...) sẽ chỉ được ghi trên phụ lục văn bằng, cùng với các thông tin khác như: Điểm môn học, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp của người học.
Có thể thấy rằng, với Thông tư mới này, các cơ sở giáo dục đại học lẫn những người học không chính quy đã hoàn toàn được “cởi trói” khỏi tư duy chạy đua theo những tấm bằng chính quy vẫn được coi là danh giá.

Thật vậy, hàng năm có một kỳ thi tuyển sinh đại học, mặc dù sau này đã được tích hợp vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, song vẫn gây nhiều lãng phí công sức, tiền của của xã hội khi phải tổ chức quy mô lớn, cả học sinh lẫn giáo viên, phụ huynh đều như bước vào trận chiến.
Rồi sau đó là nạn thi hộ, chạy điểm vì ai cũng muốn con em mình có một chỗ ngồi trên giảng đường.
Những học sinh trượt đại học coi như cuộc đời bị rẽ sang hướng khác, phải làm những công việc phổ thông hơn, kém sang trọng hơn. Một số người sau đó dù nỗ lực học tại chức, vừa học vừa làm thì đến khi đi xin việc vẫn bị nhà tuyển dụng phân biệt đối xử kiểu “dốt chuyên tu, ngu tại chức”.

Những người không có cơ hội sở hữu tấm bằng đại học chính quy thường bị thui chột đi ý chí học tập. Nhiều người bằng lòng với công việc tay chân, hoặc có xu hướng tự mình đúc rút từ thực tế làm việc hơn là tiếp tục theo học để nâng cao chất lượng công việc.
Chính vì thế, cụm từ “học tập suốt đời” trở nên xa lạ với rất nhiều người Việt hiện nay.
Ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT, tôi cho rằng đây là điều kiện cần để hướng đến mô hình giáo dục mở, vận động người dân học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học vì yêu cầu của công việc, của xã hội chứ không phải vì bằng cấp.
Tuy nhiên, chủ trương chính sách nào cũng có tính chất hai mặt của nó và nếu không thực hiện đúng sẽ gây ra tình trạng “vỡ trận”, nhất là trong bối cảnh giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, bỏ tư duy bằng cấp không có nghĩa là cào bằng chất lượng học tập. Chúng ta biết, trong Kinh tế học có một khái niệm căn bản là “chi phí cơ hội” (opportunity cost) - một khái niệm hữu ích được sử dụng trong lý thuyết lựa chọn. Chi phí cơ hội của một lựa chọn thay thế được định nghĩa như chi phí do đã không lựa chọn cái thay thế tốt nhất kế tiếp.
Một người bỏ công sức, thời gian, tiền của vào việc học tập để đạt được tấm bằng tốt nghiệp đại học chính quy không nên được đánh đồng với một người lười biếng không chịu học hành, hoặc dùng thời gian lẽ ra để học đó đi làm kiếm tiền rồi sau đó thi vào đại học tại chức dễ dàng hơn.
Bởi vậy, công bằng là phải đánh giá một ứng viên về cả bằng cấp (thể hiện thái độ học tập) và kỹ năng mềm, năng lực làm việc thực tế. Tuyệt đối hoá năng lực làm việc, không quan tâm bằng cấp hoặc là không rõ ràng minh bạch trong việc ghi phụ lục văn bằng đều thể hiện tinh thần cào bằng chất lượng giáo dục.
Thứ hai, việc trao quá nhiều quyền cho cơ sở giáo dục đào tạo (ở đây là các trường đại học) nếu thiếu đi sự quản lý sát sao sẽ dễ gây nên tình trạng lạm quyền, thao túng bằng cấp.
Việc buông lỏng quản lý trong khi thực hiện chủ trương thi THPT quốc gia 2 trong 1 (cụ thể là ở khâu trông thi và chấm thi) đã khiến chúng ta nhận hậu quả nặng nề là vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình năm 2018.
Giao quyền tự chủ cho trường đại học mà thiếu giám sát cũng gây ra vụ bê bối tuyển sinh chui 2.000 thí sinh và cấp bằng khống cho 400 học viên ở Đại học Dân lập Đông Đô trong suốt 3 năm (từ 2017 đến 2019).
Bởi vậy nếu chủ trương mới này không đi kèm với thắt chặt kiểm tra, giám sát thì sẽ dẫn đến tình trạng các trường đại học buông lỏng hệ chính quy chạy theo hệ khác vì các loại đào tạo này học phí cao hơn, thi đầu vào dễ hơn….
Việc cho phép có thể ghi hay không ghi xếp hạng bằng cấp: Giỏi, Khá, Trung bình (hiện nay mục xếp hạng này chưa bị bỏ nhưng đang để mở bằng chữ “nếu có”) cũng dễ tạo điều kiện cho các trường đánh đồng bằng cấp.
Thứ ba, “cởi trói” cho hệ tại chức, đào tạo từ xa… thì chất lượng đào tạo loại hinh này phải được nâng cao, cải thiện so với hiện nay.
Có một thực tế là hiện nay đào tạo chính quy và không chính quy của Việt Nam đều phát triển không đồng đều.
Nếu như hệ đào tạo chính quy làm nảy sinh hiện tượng mua bằng cấp, chạy chức, chạy quyền thì hệ không chính quy phổ biến tình trạng học lấy được, học chỉ để lấy bằng.
Chúng ta đang hướng đến hệ thống giáo dục mở, nghĩa là học không bó buộc trong thời gian không gian nào mà học theo hình thức tích lũy, cần cái gì học cái đó, ở bất cứ môi trường nào cũng học tập được.
Các nhà giáo dục cũng kỳ vọng rằng hình thức học trực tuyến, thi trên máy, chấm trên máy (tất nhiên phải hoàn toàn khách quan chứ không phải con người có thể can thiệp vào máy móc như các vụ gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình) sẽ hạn chế được những tiêu cực như hiện nay, từ đó đảm bảo chất lượng cho hệ không chính quy.
Vấn đề cuối cùng, vẫn phải là thái độ học tập của mỗi người. Học không nên chỉ vì bằng cấp, cũng không nên chỉ để có một công việc mơ ước. Trong một xã hội học tập, người sử dụng lao động sẽ đánh giá sàng lọc lao động thường xuyên, bởi vậy người lao động phải tư duy rằng học tập là suốt đời, để nâng cao kiến thức trình độ phục vụ công việc và đòi hỏi của cuộc sống.
 ST.

Đăng nhận xét

 
Top