Sau bốn năm bị mất bàn tay do tai nạn lao động, một nam bệnh nhân 31 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ghép chi thể từ người cho sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Thành công này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai cho những bệnh nhân không may mắn. Đây cũng là thành công chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội). Trước đó, năm 2016, trong quá trình lao động, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái gây dập nát, biến dạng hoàn toàn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn trong điều kiện sẵn sàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, GS.TS. Mai Hồng Bàng cùng các bác sĩ trong ê kíp phẫu thật đã hội chẩn đặc biệt và quyết định sẽ thực hiện ca mổ “ghép bàn tay mới” cho bệnh nhân Vương. Kíp mổ do trực tiếp GS, TSKH, TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các Bác sĩ của khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật của Bệnh viện thực hiện.
Sau 8 giờ, ca mổ “ghép cẳng tay và bàn tay mới” từ người hiến sống cho bệnh nhân Vương được thực hiện thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại (được ghép từ người khác) được tưới máu đầy đủ giống như tay lành. Hiện nay, một tháng sau ca mổ, bệnh nhân đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô.
Đánh giá về ca ghép chi đồng loại này, GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, chia sẻ, đây là một thành công tuyệt vời vì đó là kỹ thuật rất khó, rất phức tạp nhưng các bác sĩ của Việt Nam đã thực hiện được.
“Nếu ghép tạng là cứu sống người bệnh thì ghép chi là nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Điều khác nhau cơ bản của ghép tạng và ghép chi là vấn đề miễn dịch, mặc dù bệnh nhân đều phải dùng thuốc chống thải ghép ức chế miễn dịch nhưng thải ghép chi thể khó hơn rất nhiều”, GS.TS.

GS.TS. Phạm Gia Khánh cũng chia sẻ, ca bệnh này là ca đầu tiên thành công tại Việt Nam vì nó hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện, trang thiết bị cũng như nhân lực. Trước tiên là phải có “cơ hội” có bệnh nhân bị chấn thương chi nhưng không tự ghép được mà phải đủ điều kiện để ghép lại cho người khác. Thứ hai là khi có trường hợp chi của nạn nhân ghép được cho người khác thì không phải cơ sở y tế nào cũng làm được, bởi vì khi bệnh nhân vào cấp cứu, các bác sĩ luôn phải xác định cứu bệnh nhân trước. Nếu chi đó không thể phục hồi mà có thể ghép cho bệnh nhân khác thì cũng không thể ghép được vì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu, từ trang thiết bị đến nhân lực cũng phải được đào tạo. Khi các cơ hội này hội tụ đầy đủ cùng lúc thì đó mới là thời cơ thực hiện được. Và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công trên những điều kiện đó.
Theo GS.TS. Mai Hồng Bàng, thành công này đã mở ra triển vọng rất lớn cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ghép chi thể tự thân thường quy từ đốt ngón tay, ngón chân tự thân. Tuy nhiên, ca ghép chi thể đồng loại (từ người khác) thì đây là lần đầu tiên, mở ra triển vọng lớn cho những nạn nhân không may bị tai nạn.
“Với nạn nhân không may phải cắt tay để ghép cho bệnh nhân Vương cũng có thể có cơ hội sẽ được ghép chi từ người cho chết não. Hiện nay, suy nghĩ của người dân đã thay đổi rất nhiều về việc hiến tạng, hiến một phần cơ thể sau khi chết não, vì vậy, chúng ta có thể hy vọng về nguồn cho chi từ người chết não để có thể có cơ hội ghép cho những bệnh nhân không may mắn như bệnh nhân Vương, thậm chí là những bệnh binh, thương binh hiện nay cũng có cơ hội được nâng cao chất lượng sống”, GS.TS. Mai Hồng Bàng chia sẻ.
Được biết, từ năm 1998 đến nay, mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Tại các nước Đông Nam Á, cho đến nay, chưa có một ca ghép chi thể đồng loại nào được thông báo trong y văn thế giới, và đây là ca đầu tiên trên thế giới được tiến hành ngay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108./.
 ST.

Đăng nhận xét

 
Top