Trước diễn biến của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã có hiện tượng người dân mua với số lượng lớn các trang thiết bị y tế, khẩu trang, thực phẩm dự trữ dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa. Một số cơ sở bán hàng lợi dụng tình hình đã tự nâng giá bán, bán giá không theo niêm yết, gây bất ổn thị trường tiêu dùng.

Bình luận về việc này, ngày 6/2, trao đổi với báo Đất Việt, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, việc mua và bán khẩu trang của người dân trong những ngày qua đã bộc lộ rất nhiều nét tính cách của người Việt.
"Trước hết là tình trạng đầu cơ tích trữ khẩu trang, lợi dụng tình hình dịch bệnh hoành hoành, ai cũng cần đến để tăng giá khẩu trang, chỉ muốn lợi dụng bán thật nhanh với giá thật cao để trục lợi. Người dân tích trữ nhiều khẩu trang, lương thực như thế phản ánh tâm lý từ thời xa xưa.
Trong một đất nước hay có những biến động về thời tiết, bão lũ, hạn hán nên người ta luôn nghĩ cách để tiết kiệm, tích trữ. Tuy nhiên, tình trạng đem nếp sống cũ từ hàng nghìn năm trước ra ứng xử trong cuộc sống hiện đại như bây giờ là không còn phù hợp nữa. Tất cả những hành động, ứng xử như thế đều không đúng", TS Sơn nói.
Theo TS Sơn, người dân cần thay đổi nhận thức trong vấn đề tích trữ khẩu trang, lương thực vì việc này chỉ thích hợp với thời kỳ khó khăn. Hiện giờ công nghệ sản xuất khẩu trang đã khác xưa nên để có đủ số lượng phục vụ người dân là không khó.
Mỗi người chỉ nên chuẩn bị cho mình số lượng khẩu trang vừa đủ dùng, hơn nữa cũng cần tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc đeo khẩu trang, tránh tình trạng người mua quá nhiều nhưng dùng không hết, còn người tìm nhiều nơi mà không mua được.
"Bộ Y tế cũng như các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều lời khuyên, hướng dẫn về cách sử dụng khẩu trang cho đúng cách trước diễn biến của dịch virus Corona nên người dân cần bình tĩnh, tránh mang tư duy, nếp nghĩ của người nông dân từ thời xa xưa vào cuộc sống hiện đại, chỉ nghĩ cho mình, còn người khác thì mặc kệ.
Việc suy nghĩ ai nhanh tay thì được, còn ai chậm chân thì hết như vậy thể hiện lối sống ích kỷ, thiếu văn minh, không còn thích hợp", TS Sơn cho biết thêm.
Cũng theo TS Sơn, bên cạnh việc người dân lo lắng tích trữ khẩu trang cũng có rất nhiều nơi các bạn trẻ đứng lên phát khẩu trang miễn phí. Đó là những tấm gương sáng, rất cảm động. Hành xử đó đang lan truyền trong lớp trẻ, "thổi ngọn lửa" vào tính cộng đồng để có thể lấn át được những thói xấu của một bộ phận người dân.

"Những tấm gương làm việc tốt chia sẻ với cộng đồng như thế sẽ là một tấm gương, nếu được lan rộng ở nhiều nơi khác trong cả nước thì đó sẽ là một "ngọn lửa" ấm áp giúp người dân có thêm niềm tin vào tình người. Nhiều nơi như vậy sẽ trở thành cách ứng xử mới, một cái chuẩn mới và sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực cho nhiều bạn trẻ và nhiều người khác noi theo", vị  Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế, không hoang mang theo các thông tin đồn thổi để chung sức chống dịch bệnh.
"Có các thông tin như kêu gọi tích trữ lương thực thậm chí cả vàng, những điều đó là không đúng đắn", ông Long nói.
"Chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp  phòng chống còn mạnh hơn thời dịch SARS năm 2003. Chúng ta sẽ cố gắng kiểm soát được coronavirus", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, phác đồ điều trị bệnh của Việt Nam tiệm cận trình độ thế giới và "chúng ta sẽ kiểm soát được virus corona và hiện đủ năng lực để chống dịch bệnh viêm phổi", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, phòng nhiễm tất cả các biện pháp, đặc biệt phải rửa tay nhiều lần trong ngày, vì nghiên cứu cho thấy cứ 10 phút con người lại đưa tay lên mặt.
Ông Long cũng cho rằng hiện còn quá sớm để nhận định, đánh giá tình hình dịch do virus corona nhưng khẳng định Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt.
Nguồn: Baodatviet


Đăng nhận xét

 
Top