Từ khuya 13/02 đến sáng sớm 14/02, lực lượng chức năng chốt chặn ở
nhiều đoạn trên tỉnh lộ 15 tại địa phận huyện Củ Chi (TP.HCM) để vây bắt Tuấn “khỉ” - bị can xả súng vào sới bạc khiến 4
người chết, 1 người bị thương; trên đường tẩu thoát bắn chết thêm 1 nạn nhân đi
đường để cướp xe.
Trong lúc lực lượng công an thi hành công vụ, dòng người hiếu kỳ
lũ lượt kéo đến tập trung theo dõi bất chấp rủi ro. Kể cả sau khi xuất hiện
thông tin Tuấn “khỉ” đã bị tiêu diệt, người dân từ các tỉnh lân cận như Bình
Dương, Đồng Nai... cũng rủ nhau đổ về khu vực hiện trường chụp ảnh, quay phim
phát trực tiếp (livestream) qua mạng xã hội, “câu like”.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng trên. Trước đó,
ngày 30/01, khi cơ quan chức năng vây ráp, phong tỏa khu vực ấp Bốn Phú (xã
Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM) để truy bắt Tuấn “khỉ”, rất đông người dân cũng tụ
tập tại gần hiện trường để xem, livestream bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra,
gây khó khăn cho cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ. Tương tự, chiều tối
30/01, khi Công an phong tỏa căn nhà trên đường Lý Thái Tổ (Q.10, TP.HCM) có
một thanh niên nghi “ngáo đá” và đang có dấu hiệu dùng lựu đạn cố thủ, tình
trạng trên cũng xảy ra...
Sở thích đến tận hiện trường vụ việc, sự kiện “nóng” để livestream
bắt đầu xuất hiện khoảng vài năm nay, khi người dân sử dụng điện thoại di động
thông minh, máy tính bảng ngày càng nhiều, và các mạng xã hội hỗ trợ nhiều tiện
ích livestream. Một số người thì livestream nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, nhưng
một số khác lại có mục đích tăng lượng like, follow cho tài khoản trên mạng xã
hội để kiếm tiền.
Trong khi đó, theo quy định pháp luật, khi
cơ quan chức năng đang thực thi nhiệm vụ, nếu người dân vẫn cố tình đi vào khu
vực cấm, gây khó khăn hoặc cản trở người thi hành công vụ, thì có thể bị xử
phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng vì hành vi “tập trung đông người trái pháp
luật tại địa điểm, khu vực cấm” hoặc hành vi “gây rối, cản trở hoạt động bình
thường của cơ quan tổ chức”, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP./.
Đăng nhận xét