Quốc hội dành cả ngày 27/5/2020, họp toàn thể trực tuyến
để thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về
phòng chống xâm hại trẻ em". Các đại biểu phát biểu đầu tiên đã nghẹn ngào
khi đề cập đến vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết khi
tiếp xúc cử tri, ai cũng bức xúc, rùng mình, căm phẫn, đòi hỏi phải xử lý
nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em, không thể để chúng nhởn nhơ ngoài xã
hội.
Theo đại biểu Phương, cần áp dụng thêm biện pháp
"thiến sinh học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là biện
pháp đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm.
Ông cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng
đồng khi đưa tin, nêu về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi,
địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn
nhân bị xâm hại.
"6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột
biến, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại; xâm hại tình
dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em", đại biểu Trần Thị Hiền
(Hà Nam) phân tích số liệu.
"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa
phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu
về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)".
Đáng nói, "những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với
trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi ngày
càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo
đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm
hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt", bà
Hiền nói.
Đăng nhận xét