Mấy ngày gần đây dư luận cả nước rất quan tâm và tỏ ra bất bình trước hiện thượng "loạn giá", "thổi giá" về việc các địa phương mua hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARs-CoV-2.

Chắc chắn là với xuất xứ khác nhau, nhà cung cấp cũng khác nhau (chưa rõ chất lượng có khác nhau nhiều hay không) thì mức giá sẽ khó mà giống nhau, song, chênh lệch quá lớn về giá thiết bị này mà các địa phương mua vào (dao động từ 1,5 tỷ đồng đến trên 7 tỷ đồng) đã tạo ra một bức tranh “lổn nhổn”, thật sự gây chán ngán.
Chưa hết, chuyện mua bán rồi chuyển sang “cho mượn” hay đàm phán lại giá và “được hạ giá” sau khi “tiền trao, cháo múc” và sản phẩm cũng đã được sử dụng trên dưới 1 tháng cũng tạo ra sự kịch tính và đầy hài hước trong những thương vụ vốn dĩ vô cùng nghiêm túc này.
Đã có người bị khởi tố, bắt giam và có những người khác hẳn là đang run rẩy, sợ hãi.
Một số chuyên gia nhìn nhận, nguyên nhân chính dẫn tới việc “loạn” giá máy xét nghiệm Covid-19 nằm ở việc chỉ định thầu và thẩm định giá. Trong đó, có những địa phương mua sắm theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn”.
Vốn dĩ không phải chuyên gia trong lĩnh vực này nên không có nhiều kiến thức, và cũng không phải là một luật sư để hiểu rõ ngọn ngành, mức độ đúng - sai của các bên trong những thương vụ này - tuy vậy, có một số điều khiến người viết không khỏi thắc mắc:

- Thứ nhất, từ rất nhiều năm nay, khi xây dựng Luật Đấu thầu và triển khai mua sắm tập trung tài sản công thì ai cũng đều thấy rõ nguy cơ lãng phí, tham nhũng trong hoạt động này. Đây được cho là mảnh đất rất màu mỡ cho tiêu cực. Vậy vì sao các địa phương vẫn chủ quan như vậy?
Nói chủ quan bởi nếu thực sự quan tâm và sâu sát, chắc chắn sẽ không có tình trạng loạn giá đến mức vênh nhau gấp 2-3 lần.
Đành là có thể sẽ có khoản gọi là “bôi trơn” hay “hoa hồng”, “lại quả” song từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, vấn đề này đã được đề cập để nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản.
Cụ thể: “Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn”.
Vậy, vì sao không áp dụng?
- Thứ hai, hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Vậy, tại sao vẫn áp dụng chỉ định thầu với những gói thầu có giá trị tới hàng tỷ đồng như trên?
- Thứ ba, cứ cho là các địa phương đang áp dụng khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính để giải thích việc các gói thầu trên được phép chỉ định thầu, nhằm khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch Covid-19. Song chẳng lẽ cứ chỉ định thầu thì sẽ không thẩm định giá và doanh nghiệp muốn “hét giá” ra sao cũng đồng ý?
Cho nên, có thể có những trường hợp, người trong cuộc sẽ “đổ lỗi” cho luật pháp còn “lỗ hổng”, chưa chặt chẽ. Nhưng, lỗ hổng lớn nhất chính là “con người”, là phẩm chất, năng lực và lòng tham của cán bộ thực thi.
Có thể sẽ còn nhiều tranh cãi về “biểu tượng” của công lý, của cán cân luật pháp là gì, nhưng thứ người dân cần, đất nước cần là đưa công lý vào thực tiễn, đó mới là điều quan trọng!
 St

Đăng nhận xét

 
Top