Sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký hôm
28/5/2020 được các nhà phê bình cho là đòn trả đũa quyết định dán nhãn kiểm
chứng sự thật của Twitter trên các tweet về bỏ phiếu qua thư của ông. Bên dưới
tweet là dòng chữ màu xanh, hướng dẫn người dùng bấm vào để xem thông tin chính
xác.
Ông Trump cho rằng, bỏ phiếu qua thư có thể
dẫn đến gian lận bầu cử. Tuy nhiên, những người kiểm chứng sự thật khẳng định
không có bằng chứng chứng minh. Đó là lý do Twitter phải dán nhãn kiểm duyệt
tweet của ông Trump.
Cũng trong ngày 28/5, ông Trump nói việc các
công ty mạng xã hội lựa chọn người cần kiểm chứng thông tin tương đương với
“hoạt động chính trị” và đó là hành động không thích hợp.
Phát biểu tại văn phòng trước khi ký lệnh,
Tổng thống Mỹ nói quyết định nhằm “bảo vệ tự do ngôn luận trước một trong số
các nguy cơ nghiêm trọng nhất mà nó phải đối mặt trong lịch sử nước Mỹ”. Ông
khẳng định: “một bộ phận nhỏ các công ty mạng xã hội đang kiểm soát lượng lớn
thông tin liên lạc cá nhân và công khai tại Mỹ. Họ sở hữu quyền lực không thể
chống lại trong kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che giấu, thay đổi
bất kỳ hình thức liên lạc điện tử nào giữa công dân và công chúng”.
Sắc lệnh nhằm vào các công ty được bảo vệ
trong Mục 230 của Đạo luật Truyền thông. Theo đó, các công ty mạng xã hội lớn
không thể bị kiện vì phần lớn nội dung do người dùng đăng tải. Nhưng nếu
không có hành động của Quốc hội, ông Trump khó có thể làm nhiều điều với sắc
lệnh này. Theo Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Bộ Tư pháp có thể kiện các công
ty mạng xã hội vì cho rằng quy định đã bị vượt xa mục đích ban đầu.
Đêm 28/5, Twitter gọi sắc lệnh của Tổng thống
là “phản tiến hóa” và muốn “đe dọa tương lai của tự do ngôn luận”. Facebook và
Google cũng cho rằng nó có nguy cơ gây hại đến Internet và kinh tế số.
Người phát ngôn Facebook Andy Stone lập luận
nếu buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về mọi thứ mà hàng tỷ người dùng
trên thế giới đăng tải, nó sẽ trừng phạt những ai lựa chọn cho đăng phát ngôn
tranh cãi và khuyến khích các nền tảng kiểm duyệt bất kỳ điều gì có thể xúc
phạm ai đó. Theo phát ngôn viên Google Riva Sciuto, sắc lệnh sẽ làm tổn thương
kinh tế Mỹ và vị trí dẫn đầu toàn cầu về tự do Internet./.
Đăng nhận xét