Sáng ngày 06/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị kết án tử hình về tội “Giết người và Cướp tài sản”, liên quan đến vụ án 2 người chết vào tối 13/01/2008 tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tuy nhiên, vụ án này kéo dài 12 năm nhưng đến nay chưa thi hành được do còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản án tử hình. Đến tháng 12/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án này.

Có lẽ nhiều người nhầm tưởng rằng, phiên giám đốc thẩm này diễn ra sẽ trả lời cho câu hỏi Hồ Duy Hải gây ra án mạng thảm khốc của 2 cô gái 12 năm trước hay là không. Nếu Hồ Duy Hải là hung thủ thật sự thì sẽ xử án nghiêm, còn nếu không phải là hung thủ sẽ được trả lại tự do để không gây oan sai cho người vô tội. Thế nhưng, phiên giám đốc thẩm này không phải là kết quả cuối cùng. Vì tính chất của phiên giám đốc theo như lời của Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Giám đốc thẩm là một thủ tục tiến hành việc nhìn nhận lại một bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án để xem xét, xác minh lại toàn bộ quá trình giải quyết, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền và nghĩa vụ liên quan. Việc tiến hành xem xét lại này có thể vì những lí do trong toàn bộ quá trình xét xử, giải quyết vụ án mà có sự vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng kết luận thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án đã đưa ra không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”.
Như vậy có thể hiểu, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu giám đốc thẩm xem xét bản án đã tuyên là đúng pháp luật thì Hồ Duy Hải vẫn là tử tù và đợi đến ngày thi hành án. Và trường hợp thứ 2, nếu giám đốc thẩm tuyên bản án có sai phạm sẽ hủy bản án đã tuyên và trả hồ sơ điều tra lại. Tuy nhiên, điều này không phải là phép màu để giúp Hồ Duy Hải thoát tội, mà anh vẫn sẽ là nghi phạm chính trong vụ án giết người này.’’

Vậy nên, mong rằng mọi người đừng thay thẩm phán vào cuộc “điều tra” hay “phán” về vụ việc này và cũng đừng cố tình phân tích, các tình tiết nữa. Bất cứ ai ngoài cuộc lớn tiếng kết tội hay đòi thả ngay lập tức Hồ Duy Hải cũng chỉ là làm theo cảm tính bởi các vị không có đầy đủ thông tin vụ án, kể cả các anh chị nhà báo khi thể hiện rằng mình có nguồn tin mật tuồn ra. Hãy để yên cho các cơ quan chức năng làm việc. Bởi việc mọi người đẩy vụ việc lên cao đang khiến cho một số đối tượng nhảy vào “thương vay khóc mướn”, chửi bới chính quyền. Nhìn hình ảnh “Trương Văn Dũng”, “Nguyễn Hữu Vinh”, “Thao Teresa”… nhiệt tình, quan tâm, ngồi chầu chực hóng tin tại Tòa án cùng người thân của Hồ Duy Hải thì đã thấy vụ án hình sự này đang được các nhà dân chủ tìm cách chính trị hóa.
Minh chứng là mới đây thôi, trang “Nhật ký yêu nước” lợi dụng vụ việc để bẻ lái qua công tác nhân sự khi xuyên tạc rằng “Hồ Duy Hải mai này có vô tội thì cũng chẳng phải do công lý được thực thi ở Việt Nam, mà đó là sự đấu đá trong nội bộ của đảng để hạ bệ nhau, tạo thanh thế mà thôi”. Có thể thấy, các nhà dân chủ nào có thực tâm lo cho tính mạng của Hồ Duy Hải đâu. Suy cho cùng Hải cũng chỉ là “con dê tế thần”, để các đối tượng lợi dụng, móc nối hướng lái thành câu chuyện đấu đá nội bộ, thành trừng phe phái giành ghế trước Đại hội 13, khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền mà thôi.
Quay trở lại với phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, tin rằng công lý, sự thật sẽ chiến thắng, “Hội đồng thẩm phán Tòa Tối cao sẽ không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội” như lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình tuyên bố./.
St 

Đăng nhận xét

 
Top