Với 98 ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận ngày 02/8/2021, thì Hà Nội có tới 70 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.



Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, điều đáng lo ngại trong đợt dịch lần này là số ca cộng đồng tăng nhanh, nhiều ổ dịch có thời gian lây nhiễm lâu, nhưng chậm phát hiện.

Tối 01/8, 21 ca nhiễm là nhân viên của Công ty thực phẩm Thanh Nga (địa chỉ 15/651 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng) được xác định. Đáng chú ý, đây là công ty thực phẩm chuyên cung cấp mặt hàng thịt tươi sống cho hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Sau rà soát đến trưa qua, CDC Hà Nội thông báo có 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng VinMart+ phải rà soát người liên quan đến các F0 là nhân viên giao hàng tại Công ty thực phẩm Thanh Nga. Hiện 23 siêu thị, cửa hàng này đã tạm ngưng hoạt động.

Cũng trong tối 01/8, chợ Long Biên (Q.Ba Đình) được phong tỏa cổng chính để xét nghiệm truy vết liên quan đến 1 tiểu thương bán cá thường xuyên lấy hàng tại đây. UBND Q.Ba Đình ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ hải sản P.Phúc Xá từ 3 giờ ngày 30/7 đến nay liên hệ với cơ quan y tế.

Trong khi đó, UBND Q.Bắc Từ Liêm đã ra thông báo tạm thời phong tỏa, đóng cửa ngừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai để phòng chống dịch Covid-19. Tương tự, ngay sau khi ghi nhận một người bán rau tại chợ Phùng Khoang (Q.Nam Từ Liêm) mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa khu chợ này để lấy mẫu xét nghiệm các tiểu thương liên quan.

Trước đó, ngày 28/7, P.Hoàng Văn Thụ (Q.Hoàng Mai) đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía nam (trên địa bàn phường) vì xuất hiện ca Covid-19 là một người buôn bán trứng trong chợ này.

Việc ngưng hoạt động một số chợ dân sinh, chợ đầu mối hay siêu thị trước mắt sẽ không tạo khan hiếm hàng hóa, do lượng cung tại Hà Nội hiện vẫn đáp ứng đủ. Sở Công thương Hà Nội cho biết đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hóa có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần. Đặc biệt, Sở cũng chuẩn bị phương án cao nhất sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.

Các phường của Hà Nội phát phiếu đi chợ cho người dân để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, việc các ca lây nhiễm Covid-19 là tiểu thương tại chợ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, việc truy vết các ca liên quan rất khó khăn.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, vấn đề là hiện số ca cộng đồng nhiều, nhưng lại chưa phát hiện ngay được. Đáng chú ý, F0 cộng đồng nhiều, nhưng ở các ổ dịch chậm được phát hiện nên thời gian lây nhiễm lâu, tăng theo cấp số nhân do tiếp xúc rất nhiều giữa các F0, F1. Điển hình như Công ty thực phẩm Thanh Nga đã có ít nhất 3 chu kỳ lây nhiễm, nhưng tới 31/7 mới được phát hiện sau khi 1 nhân viên tại đây đi khám được xác định dương tính Covid-19.

“TP đã yêu cầu người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan y tế, song số lượng người chủ động liên hệ còn thấp. Một số người dân có biểu hiện sợ khai báo phải đi cách ly, đến bệnh viện. Như ca tử vong sáng 01/8 tại Bệnh viện Tim khi xét nghiệm mới biết dương tính SARS-CoV-2”, ông Tuấn cho biết.

Tính đến chiều 02/8, cộng dồn số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội (từ 27/4/2021) đã lên tới 1.345 ca, trong đó phát hiện ở cộng đồng là 821 ca. Lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định, việc xét nghiệm các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng là hướng đi đúng của Hà Nội, dù vậy ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng./.

 

Đăng nhận xét

 
Top