Thời gian gần đây, không ít quan chức, lãnh đạo cấp cao bị thi hành kỷ luật, cách chức, thậm chí bị xử lý hình sự bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không chú trọng giáo dục, quản lý, khuyên răn vợ con, người nhà, người thân, để họ "dựa hơi" rồi làm liều, làm bậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Ông không dạy bảo được vợ con thì ông nói được ai, giáo dục được ai?” - đây là phát ngôn rất thẳng thắn, rất nghiêm khắc về một bộ phận quan chức để cho vợ con, người nhà, người thân làm những việc thiếu đàng hoàng khiến dư luận bức xúc.
Nếu thật sự là cán bộ
thanh liêm, thật sự là người gương mẫu, chính tâm, vô tư thì làm sao có thể xảy
ra những chuyện ồn ào dư luận như: Con trai được nâng đỡ, thăng tiến thần tốc;
con gái được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia; vợ đứng ra thâu tóm những
"miếng đất vàng" có trị giá hàng chục tỷ đồng; em trai tự ý mua rẻ
đất công để làm biệt thự hoành tráng ở vị trí đắc địa; em vợ cấu kết làm ăn với
những “doanh nhân ảo” gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỷ đồng... Đáng chú ý
là trong đại án Việt Á, đối tượng Phan Quốc Việt khai kiếm lãi 4.000 tỷ đồng,
“bôi trơn” khoảng 800 tỷ đồng. Để thực hiện hành vi của mình, các đối tượng đã
dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh
tật (CDC) một số tỉnh, thành phố, trong đó có cả chuyển qua tài khoản chính chủ
và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, bố vợ, em vợ của người nhận) và
cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt...
Để quản lý cán bộ đảng
viên, không sa ngã vào những cám dỗ và liêm chính đối với bản thân và người
thân trong gia đình, Đảng đã ban hành nhiều quy định yêu cầu cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ trì các cấp không chỉ cần nêu gương về
trách nhiệm chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống mà còn phải gương
mẫu, đi đầu trong việc vận động, giáo dục vợ con, người nhà, người thân tự giác
chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ
thể:
- Điều 3, Quy định số
08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí
thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” quy định: “Phải nghiêm khắc với bản
thân...; không để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ,
quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Không để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi
sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp
luật”.
- Quy định số 37-QĐ/TW
ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về những điều đảng viên
không được làm” cũng ghi rõ: “Không được can thiệp, tác động hoặc để vợ
(chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi
dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi” (Điều 11) và: “Không được can
thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ
(chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài
trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản
lý” (Điều 17).
Đảng viên bị kỷ luật
bằng hình thức khiển trách khi vi phạm:
- Thực hiện việc thẩm
định, tham mưu, đề xuất, quyết định tiếp nhận, tuyển dụng, cho thi nâng ngạch,
bậc, đi học, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, giới thiệu bầu cử,
ứng cử, khen thưởng, phong, thăng cấp bậc hàm, công nhận danh hiệu, xét công
nhận đạt chuẩn chức danh cho bố, mẹ (của mình, của vợ hoặc chồng), vợ (chồng),
con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (của mình, của vợ hoặc chồng) không đủ tiêu
chuẩn, điều kiện (khoản đ, Điều 29);
- Can thiệp, tác động
hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và
người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi (khoản g, Điều 31);
- Để vợ (chồng), con
sống xa hoa, lãng phí gây dư luận xấu trong xã hội hoặc vi phạm pháp luật
(khoản e, Điều 54)...
Thực thế đã minh chứng,
quy định dù có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu mà cán bộ, đảng viên không tự giác chấp
hành, tuân thủ không nghiêm túc thì cũng khó đạt kết quả như mong muốn. Đối với
cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp
cần phải thấm nhuần sâu sắc phương châm đó là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ”. Bản thân trước hết phải tự giác tu tâm dưỡng tính, tu thân tích đức,
tự soi, tự sửa, tự trau dồi, rèn luyện để trở thành một nhân cách đàng hoàng;
cùng với đó phải giáo dục, dạy bảo con cái đến nơi đến chốn, chấn chỉnh gia
phong, củng cố nền nếp gia đình, gia tộc cho vững vàng, hoàn hảo mới hy vọng
làm tốt được công việc lớn lao hơn là quản trị xã hội và vận động, giáo dục,
thuyết phục được người dân tin tưởng, làm theo mình. Khi tu thân không tốt, tề
gia kém cỏi thì làm sao đủ sức, đủ tài, đủ khả năng gánh vác sứ mệnh “trị quốc,
bình thiên hạ” được?
Đăng nhận xét