Phản biện xã hội là hoạt động mang tính xã hội nhằm bày tỏ ý kiến, chính kiến, bình luận, tranh cãi, thảo luận, nhận xét, đánh giá, thẩm định của các tổ chức, cộng đồng, cá nhân bằng những phương thức nhất định (thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân, phương tiện truyền thông...) đối với những vấn đề mà xã hội quan tâm. Phản biện xã hội góp phần điều tiết xung đột giữa các nhóm để tạo ra đồng thuận xã hội; đồng thời, thông qua phản biện xã hội để nâng cao trách nhiệm của người dân, của cộng đồng. Quan trọng hơn, phản biện xã hội là một hình thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần hạn chế những sai lầm trong việc hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước, tạo áp lực để điều chỉnh chính sách theo hướng phục vụ lợi ích cộng đồng, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng mục đích và có hiệu quả.



Tại văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng nêu rõ: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”[1]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”[2]. Các kỳ Đại hội của Đảng sau này đều tiếp tục khẳng định quan điểm phát huy vai trò của phản biện xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội... Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”[3].

Chủ thể phản biện xã hội là các tổ chức và cá nhân không sử dụng quyền lực nhà nước. Đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nội dung phản biện xã hội là sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo.

Mục đích phản biện xã hội là nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội.

Như vậy, thực chất của phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá, bình luận và đưa ra khuyến nghị với chủ thể ban hành chủ trương, chính sách. Thước đo giá trị của các phản biện xã hội là độ chân thực, khách quan và tính thực tiễn của phản biện. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với người phản biện xã hội là phải có động cơ tích cực, góp phần vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời người phản biện xã hội phải có lập luận độc lập, khách quan, khoa học và dũng cảm nêu lên quan điểm, nhận xét của cá nhân với cơ quan, tổ chức tiếp nhận phản biện xã hội.

… Đến sự tỉnh táo trong đối phó với các chiêu bài lợi dụng hoạt động phản biện xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước

Phản biện xã hội nếu không dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích thì chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính, phiến diện, cực đoan, thậm chí cản trở tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước. Trên thực tế, có một số cá nhân đã sử dụng phản biện xã hội như một “chiêu bài” để thực hiện một ý đồ, một mục tiêu nào đó hoàn toàn không nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong đó, các cá nhân này thường sử dụng hình thức viết thư ngỏ, kiến nghị… gửi các cấp, nhưng thực ra đã đăng tải ở nhiều kênh thông tin không chính thống khác và xem đó mới là con đường phát tán chủ yếu; sử dụng mạng xã hội để phát tán các ý kiến tiêu cực, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài có nội dung xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, thực tế của đất nước. Thậm chí, có một số cá nhân nêu lên một vài nội dung mang tính phản biện xã hội nhưng bằng hình thức công kích, bóp méo sự thật nên về thực chất, không còn ý nghĩa phản biện. Điều này làm cho nhiều người lầm tưởng là phản biện xã hội đúng mực nên ủng hộ, nghe theo hoặc tiếp tục phát tán quan điểm đó.

Trong “ma trận” thông tin, quan điểm về vô vàn các vấn đề của đời sống xã hội, mỗi người cần đối diện và tiếp nhận các nguồn thông tin này như thế nào?

Trước tiên, cần xác định nguồn gốc của thông tin. Thông tin đó được lấy từ đâu là rất quan trọng, khi nguồn gốc thông tin không rõ ràng thì không vội vàng tin vào độ chính xác của thông tin đó. Tiếp theo, cần biết thông tin đó đã được kiểm chứng chưa. Sự kiểm chứng phải dựa trên các căn cứ khoa học và đối chiếu với các nguồn thông tin khác để khẳng định tính chính xác của nó. Cùng với đó, cần phân tích xem thông tin đó mang lại lợi ích cho ai. Nếu thông tin phản biện xã hội mang lại lợi ích cho người này nhưng lại gây bất lợi cho người kia thì phải hoài nghi về tính chính xác của thông tin.

Khi chưa làm rõ được mục đích, động cơ của những quan điểm, thông tin “có vẻ phản biện” thì mỗi người nên thận trọng trong việc tiếp nhận, chia sẻ, phát tán, ủng hộ... Nếu chưa xác định được thông tin phản biện là đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực mà đã chia sẻ, phát tán thông tin đó, tức là đã gián tiếp tạo điều kiện cho thông tin “xấu” lan rộng hơn. Cứ như thế, một số người vô tình biến mình thành “cái loa tuyên truyền” cho những phần tử nào đó để ý kiến sai trái của họ đến được với nhiều người hơn. Do đó, với một số ý kiến phản biện xã hội, ý thức cảnh giác là không bao giờ thừa. Bên cạnh việc không làm cho thông tin phát tán rộng hơn, mỗi người cần mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình với vấn đề mà mình thấy là tiêu cực, nguy hiểm. Khi dẫn lại nội dung thông tin, phải nêu rõ điểm sai trái, xuyên tạc của thông tin đó; nếu không thì cũng bày tỏ sự hoài nghi của mình để người tiếp nhận thông tin không ngộ nhận rằng người chia sẻ đang ủng hộ ý kiến đó.

Như vậy, khi tiếp cận với các thông tin mang tính phản biện xã hội, không nên vội vàng tin ngay vào các ý kiến “có vẻ phản biện” đó. Điều quan trọng là hãy thật sự tỉnh táo và tiếp nhận thông tin với một thái độ khách quan, khoa học dựa trên việc xác định đầy đủ tính chính xác, động cơ của việc thực hiện hoạt động phản biện xã hội./.

St

 

Đăng nhận xét

 
Top