Chúng ta đang sống trong những ngày diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ. Mỗi sự kiện giúp chúng ta hiểu rõ, thấy rõ những giá trị thực tiễn, vun đắp nên truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng kiên cường bất khuất suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước.
Vị thế, cơ đồ đất nước
có được như ngày hôm nay chính là nhờ các thế hệ người Việt Nam đã chắt lọc
những kinh nghiệm có được trong lịch sử để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong
cuộc sống thực tại. Chúng ta sẽ không ai sống được nếu cứ khư khư giữ lại tất
cả những gì đã qua, nhưng nếu thờ ơ, lạnh nhạt, bàng quan với quá khứ thì thật
đáng chê trách, thậm chí có tội với lịch sử.
Quá khứ để lại cho
chúng ta những bài học thực tiễn rất giá trị cả trong thành công và thất bại.
Những việc, những chuyện xảy ra trong quá khứ, trong lịch sử đủ để chúng ta có
thời gian chiêm nghiệm, phân tích đúng-sai, hơn-thiệt. Nhớ về quá khứ để biết
được những điều hay, tránh được những điều dở, từ đó để mỗi người làm tốt hơn
công việc, bổn phận của mình trong cuộc sống hôm nay.
Lịch sử dân tộc là một
dòng chảy không ngừng theo thời gian. Tổ quốc, giang sơn được giữ vững, vẹn
toàn như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới những hy sinh cống hiến của bao
thế hệ người Việt Nam trong lịch sử, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống
giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã hiến dâng thân
xác của mình vì sự trường tồn của dân tộc, vì độc lập và thống nhất đất nước.
Sự hy sinh đó phải được trân trọng, phải được tri ân và phải được lưu truyền
trong sử sách để đời đời con cháu tạc dạ, ghi công.
Gác lại quá khứ, hướng
tới tương lai không phải là sự cho phép chúng ta quên đi quá khứ. Những đau
thương do chiến tranh để lại vẫn còn hằn sâu trong thân xác và tâm trí của
không ít đồng bào ta ở nhiều vùng, miền của Tổ quốc. Có lẽ, không ai hiểu được
nỗi đau do chiến tranh gây ra và thấy rõ được những giá trị hòa bình như dân
tộc Việt Nam ta, nhân dân Việt Nam ta. Chúng ta đã có được hòa bình phải nỗ lực
phấn đấu, đoàn kết một lòng để giữ cho được nền độc lập, hòa bình đó. Sức mạnh
của Việt Nam nói chung, sức mạnh về quân sự, quốc phòng nói riêng chính là niềm
tự hào, xác định vị thế của cả dân tộc. Xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng,
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là nhiệm vụ
thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, được thể hiện trên mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh,
đối ngoại... Bảo vệ Tổ quốc luôn phải gắn liền với xây dựng và phát triển đất
nước, bởi lực có mạnh thì thế mới vững. Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai là
xu hướng vận động của xã hội đương đại; đồng thời đó cũng chính là bước cụ thể
hóa quan điểm của Đảng ta, nguyện ước của nhân dân ta vì mục tiêu: Dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy,
thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình của dân tộc Việt
Nam và nhân loại.
Xin được nhắc lại
rằng: Tôn trọng lịch sử, giữ gìn những giá trị của lịch sử vừa là đạo lý, vừa
là mệnh lệnh để mỗi chúng ta hôm nay sống tốt hơn, làm được nhiều việc có ích
hơn cho đất nước và dân tộc.
Đăng nhận xét