Italy
hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, bên ngoài Trung Quốc đại
lục. Tỉ lệ tử vong trung bình do Covid-19 tại Italy là 5%, còn tỷ lệ tử vong
trung bình trên toàn cầu là 3,4%, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.
Tính
đến hết ngày 10/3, nước này ghi nhận thêm 168 ca tử vong, nâng tổng số ca tử
vong lên tới 631. Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đến thời điểm hiện
tại là 10.149 người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử
vong cao tại quốc gia này.
Già hóa dân số và tình trạng quá tải
Trước
hết là tình trạng già hóa dân số. Tờ New York Times cho biết, Italy có dân số
già nhất châu Âu, với khoảng 23% người dân có độ tuổi từ 65 trở lên. Độ tuổi
trung bình ở nước này là 47,3 trong khi ở Mỹ là 38,3. Theo The Local, nhiều ca
tử vong ở Italy là những người trong độ tuổi 80 hoặc 90. Với tình trạng
già hóa như vậy, người dân tại Italy dễ bị tổn thương hơn so với các nước khác
trước dịch bệnh Covid-19.
“Xét
đến lý do dân số già của Italy, bạn sẽ dự đoán được tỷ lệ tử vong của họ cao
hơn mức trung bình”, so với một quốc gia có dân số trẻ hơn, bà Aubree Gordon,
phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan cho biết.
Hơn
nữa, khi con người già đi, hệ thống miễn dịch của họ sẽ bị suy yếu, các căn
bệnh như ung thư hoặc tiểu đường có thể gia tăng, Krys Johnson, nhà dịch tễ học
tại Đại học Y tế Công cộng Temple cho biết. Những điều kiện như vậy khiến họ dễ
bị nặng hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Lý
do tiếp theo là có một số lượng lớn bệnh nhân trong một khu vực cần sự chăm sóc
y tế. Có quá nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh nặng trong một khu vực đơn lẻ có thể
gây quá tải cho hệ thống y tế, chuyên gia Gordon cho biết. Bà lưu ý rằng trường
hợp này giống như những gì đã xảy ra tại thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi
phát và đã ghi nhận phần lớn các ca bệnh Covid-19 tại Trung Quốc. Một báo cáo
gần đây của WHO cho thấy tỷ lệ tử vong tại Vũ Hán là 5,8% cao hơn nhiều so với
mức 0,7% ở các khu vực còn lại của Trung Quốc.
Bỏ lọt bệnh nhân trong sàng lọc
Cuối
cùng, Italy có lẽ đã không phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 ở thể
nhẹ. Thông thường khi xét nghiệm mở rộng trong một cộng đồng, các ca bệnh nhẹ
sẽ được phát hiện, từ đó hạ thấp tỉ lệ tử vong chung. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã
tiến hành hơn 140.000 xét nghiệm và ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức 0,6%, theo
Business Insider.
Chúng
ta có lẽ không biết có bao nhiêu trường hợp đã thực sự bị nhiễm bệnh”, Krys
Johnson nói. Những người có triệu chứng nhẹ hơn hoặc những người trẻ hơn có thể
đã không được xét nghiệm.
Italy
đã thực hiện hơn 42.000 xét nghiệm tính đến ngày 7/3, theo Al Jazeera. Song vẫn
có khả năng xuất hiện “một ổ dịch khá lớn” tại một khu vực nào đó ở quốc gia
này và để xác định được thì cần phải thực hiện thêm nhiều xét nghiệm nữa, bà
Gordon nhấn mạnh.
Thiếu hụt nhân viên y tế và trang thiết bị
Tiếp
đến là tình trạng thiếu y bác sỹ và thiếu trang thiết bị y tế. Italy đã xây
dựng SSN – dịch vụ y tế quốc gia vào năm 1978 theo mô hình Beveridge (hệ thống
y tế dựa trên thuế thu nhập). Đây là một hệ thống y tế thống nhất và tập trung,
trong đó tất cả bệnh nhân đều có quyền truy cập. “Trong trường hợp có dịch, đây
là mô hình tốt nhất vì nó giúp ngăn chặn và điều trị tất cả các trường hợp
nhiễm bệnh”, chuyên gia Francesco Longo, phụ trách lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
tại Tổng đài Quan sát thuộc Đại học Bocconi (OASI), nói với Al Jazeera.
Tuy
nhiên đã có nhiều lo ngại về khả năng chống chịu của SSN.
“Chính
phủ cam kết rằng tất cả các khu vực khác nhau đều được cung cấp những trang
thiết bị bảo hộ mới, chẳng hạn như khẩu trang, nhưng chúng tôi vẫn nhận được
những báo cáo về sự thiếu hụt, ông Filippo Anelli - Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ
Quốc gia Italy cho biết. Trong khi đó, Hiệp hội các Giám đốc Y tế Italy,
gọi tắt là ANAAO, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thiếu giường
chăm sóc đặc biệt tại Lombardy – tâm điểm dịch bệnh, nằm ở phía bắc Italy.
“Trong
bối cảnh Lombardy đang phải đấu tranh quyết liệt với dịch bệnh, tôi lo ngại về
những gì sẽ xảy ra nếu virus lan đến khu vực miền nam đất nước, nơi mà chúng ta
thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị”, ông Anelli nói.
Theo
báo cáo mới nhất của OASI, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Italy chỉ
chiếm 6,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thua xa các nước như Pháp và Anh.
Trước
tình trạng thiếu hụt về nhân lực và vật lực, Bộ trưởng Y tế Italy đã bố trí
tăng 50% số đơn vị chăm sóc đặc biệt, tăng gấp đôi số giường bệnh trong các khu
điều trị bệnh truyền nhiễm và đặt nền móng cho việc tuyển dụng ngay lập tức
20.000 bác sỹ và y tá mới. Các bác sỹ trong quân đội và những khu vực ít bị ảnh
hưởng sẽ được điều động đến các khu vực nằm trong “báo động đỏ”.
Tờ
Business Insider cho biết, trạng thiếu giường và vật tư y tế khiến các bác sĩ
phải đưa ra những lựa chọn ngày càng khó khăn. Một số bác sĩ chia sẻ, họ đã
phải "chọn lựa bệnh nhân để điều trị" vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2
tăng không ngừng. Những bác sĩ làm việc theo ca thậm chí còn phải gánh cả phần
việc của các đồng nghiệp không may mắc bệnh, khiến họ phải chịu áp lực lớn.
“Chúng
tôi không muốn phân biệt đối xử. Chúng tôi nhận thấy cơ thể cơ thể của một bệnh
nhân ốm yếu không thể chịu đựng được các phương pháp điều trị nhất định so với
cơ thể của một người khỏe mạnh”, bác sĩ gây mê Luigi Riccioni giải thích.
Trả
lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera của Italy hôm 9/3, bác sĩ gây mê
Christian Salaroli đã so sánh tình hình trong các bệnh viện hiện nay như ở thời
chiến. “Chúng tôi quyết định điều trị dựa trên tuổi tác và điều kiện sức khỏe.
Giống như tất cả các tình huống chiến tranh”, bác sỹ Christian Salaroli nói.
Theo ông, quy tắc "đến trước, chữa trước" đã bị loại bỏ trong trường
hợp này./.
Đăng nhận xét