Mấy ngày trên mạng xã hội đăng tải thông tin về người phụ nữ tại Lạng Giang, Bắc ủng hộ 50 tấn gạo cho người dân ở
các khu vụ cách ly Covid-19. Tên người phụ nữ ấy là Trần Thị Bích Thủy,
hiện đang làm giám đốc một công ty chuyên về sản xuất, vận tải, thương mại,
xuất nhập khẩu.
Việc làm của bà xuất phát từ lương tâm và bà bỏ tiền túi ra ủng hộ các đơn
vị chứ không phải là quyên góp các cá nhân, đơn vị khác để ủng hộ. Bà
Bích Thuỷ cho rằng, giúp đỡ mọi người là việc nên làm và điều này phải xuất
phát từ tâm của mỗi người. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang
diễn biến khá phức tạp, bản thân bà đã bỏ tiền túi ra để quyên góp chứ không
huy động bất cứ ai như một số thông tin chia sẻ.
"Từ khi dịch bắt đầu vào đỉnh điểm, tôi xem trên tivi thấy
các bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội vô cùng vất vả phải nhường cả nơi ở, sẵn sàng
nằm ngoài trời để kiểm soát dịch bệnh không cho tràn vào nước ta.
Thấy những hình ảnh đó tôi rất đau xót và quyết định mình phải làm
gì đó để giúp đỡ họ. Từ đó, tôi quyết định trích tiền ra mua 50 tấn gạo ủng hộ
công tác phòng chống dịch. Hiện số gạo này đã được chuyển đến các nơi phòng
dịch", bà Thuỷ chia sẻ.
Bà Thuỷ cũng thông
tin thêm, số gạo này được mua từ nguồn trích lợi nhuận kinh doanh của Công
ty với tổng trị giá 600 triệu đồng. Chính quyền địa phương cũng xác nhận thông
tin bà Thủy ủng hộ 50 tấn gạo là chính xác.
Theo đó, trong số 50 tấn gạo bà Thủy ủng
hộ, 20 tấn gạo được phân bổ về hai cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang ở Trung tâm
Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Giáo dục Quốc
phòng và An ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang.
Bên cạnh
đó, 20 tấn gạo được tặng cho khu vực cách ly theo dõi sức khoẻ tập
trung của tỉnh Lạng Sơn và 10 tấn gạo cho Bệnh viện Quân y 5- Cục Hậu cần (Quân
khu 3) ở TP Ninh Bình.
Nói về việc bà được nhiều người gọi là
"đại gia chân đất" bà Thuỷ cười nói, tên gọi đó là do mọi người tự
gọi còn bản thân bà chỉ là một người lao động bình thường chứ không phải đại
gia gì.
Việc tôi đi chân đất là một
thói quen từ bé. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã phải lam lũ
kiếm sống và thường đi chân đất. Khi lớn lên và cho đến tận bây giờ tôi vẫn
thường đi chân đất khi làm việc vì cứ đi giầy dép là đau chân không chịu được.
Tôi chỉ đi giày dép trong những cuộc họp hoặc tiếp khách, sau đó lại đi chân
đất. Như thế mãi quen rồi", bà Thủy chia sẻ.
Được biết, bà Thuỷ cũng đã nhiều lần giúp đỡ
những hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ khi có lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh. Ngoài
ra hàng năm, bà vẫn trích lợi nhuận công ty giúp những người có hoàn
cảnh khó khăn và xây dựng trường học.
Đăng nhận xét