Thời gian qua có hiện
tượng một số
cán bộ từng giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước khi nghỉ hưu
lại có những phát ngôn, bài viết đi ngược lại quan điểm, đường lối lãnh đạo của
Đảng, khác xa lúc họ còn đương chức đang gây ra những hậu quả khó lường. Các
thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng những phát ngôn của họ để xuyên tạc
chống phá Đảng, Nhà nước ta. Không thể trở thành cây cao bóng cả cho lớp trẻ
thì chí ít họ cũng nên an phận như thói thường của những người đã hoàn thành
nhiệm vụ. Đằng này họ lại trở chứng, trở thành những cái loa cho các tổ chức
phản động chống phá Việt Nam. Họ thật sự là một trong những mối nguy của Đảng.
Nhân vật mà tôi muốn nhắc tới
trong bài viết này là ông Trần Quốc Thuận, từng là Phó chủ nhiệm Thường trực
Văn phòng Quốc hội. Giống như các “nhà dân chủ” Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đình Cống,
Tương Lai..., từ lúc nghỉ hưu, ông Thuận bỗng trở nên “bừng sáng” - như cách
nói hài hước của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đề cập đến những người như ông
Thuận, ông Cống, ông Tương Lai... lúc họ đã rời vị trí quyền lực.
Cách đây gần 3 năm, ngày
5-7-2017, Báo Giáo dục Việt Nam đăng bài: “Ông Trần Quốc Thuận nêu những nguy
cơ xấu đối với Đảng trong công tác cán bộ”. Bài viết này đăng trong bối cảnh Ủy
ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn
Dầu khí quốc gia Việt Nam vì có liên quan tới vi phạm về quản lý kinh tế tại
tập đoàn này. Bài viết dài 1.300 từ, trong đó phần trích dẫn các ý kiến của
“luật sư” Trần Quốc Thuận tới 770 từ. Ông Thuận nói: Nhiều cán bộ, nguyên cán
bộ lãnh đạo cao cấp có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong điều hành trước đó vẫn
thăng tiến, thậm chí giữ chức vụ cao hơn, trong số này có người là Ủy viên
Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị. Và ông cho rằng đây là lỗ hổng rất lớn trong
công tác cán bộ. Ông Thuận cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có
liên quan trong việc đưa cán bộ có vi phạm vào những vị trí lãnh đạo quan trọng
của đất nước; rằng phải cải cách thể chế về công tác cán bộ, không để lọt lưới
người vi phạm vào các cơ quan quyền lực của Đảng, Nhà nước... Nói chung, ông
phân tích nhiều và hiến kế cũng rất nhiều, toàn những điều ai cũng thấy và cũng
nói được. Đọc bài viết, nhiều người ngạc nhiên là tại sao khi còn tại vị, với
vị trí Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, một vị trí khá quan trọng
trong công tác tham mưu với Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, ông
lại chẳng hiến kế được gì!?
Bây giờ thì ông Thuận không còn
đóng vai “người day dứt với vận mệnh của đất nước” nữa mà đã thể hiện rõ một kẻ
cơ hội chính trị, trở cờ khi ông ta thường xuyên trả lời phỏng vấn của BBC -
một hãng thông tấn nước ngoài có tư tưởng thù địch với Việt Nam và nhiều trang
mạng phản động khác. Gần nhất là ngày 15-3, trả lời phỏng vấn BBC, ông Thuận
xuyên tạc rất nhiều tình tiết về vụ Đồng Tâm (Hà Nội) và mô tả một cách rùng
rợn bằng những thông tin hoàn toàn vu khống, thu lượm được từ “thông tấn vỉa
hè”. Rồi ông ta hòa chung giọng với những kẻ thường xuyên nhận tài trợ của các
tổ chức phản động ở nước ngoài để chống phá Việt Nam như Đoan Trang, Nguyễn Lân
Thắng, Trịnh Bá Phương... để xuyên tạc vụ Đồng Tâm. Bằng những phát ngôn bừa
bãi, bịa đặt trên các trang mạng phản động, Trần Quốc Thuận đang cố tình cổ xúy
cho cái ác, cái xấu, bất chấp chân lý, lẽ phải!
Cán bộ nghỉ hưu là một bộ phận
quan trọng của xã hội. Đại đa số cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu vẫn phát huy
tính tiên phong gương mẫu, kiên định lập trường, tư tưởng. Nhiều người dù đã
nghỉ hưu nhưng trí còn sáng, còn nhiệt huyết với cộng đồng. Tiếng nói của họ có
sức nặng trong xã hội bởi kiến thức, kinh nghiệm và uy tín tích lũy sau nhiều
năm công tác. Lúc nghỉ hưu là dịp để mỗi người có thời gian chiêm nghiệm, đúc
kết và bày tỏ những kinh nghiệm, tâm huyết đối với Đảng, Nhà nước, với xã hội.
Tuy nhiên, có một bộ phận khi nghỉ hưu do thiếu thông tin, không còn sự quản lý
của tổ chức lại hay “luận bàn thế sự”, thường có những phát ngôn, bình luận
thiếu ý thức chính trị và dễ bị kích động. Nhưng nghiêm trọng hơn là hiện tượng
một số cán bộ có vị trí cao khi nghỉ hưu lại nói và làm trái với đường lối,
quan điểm của Đảng, Nhà nước, thậm chí công khai chống phá Đảng, Nhà nước như
Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đình Cống, Tương Lai... Họ tham gia các tổ chức núp bóng
dân sự như Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo Độc lập để phát tán những thông tin
xuyên tạc về tình hình đất nước. Một số người do thiếu bản lĩnh chính trị, được
các trang mạng tung hô, tán dương bằng những mỹ danh yêu nước, dân chủ, đổi mới
mà không biết mình đang bị lợi dụng và trở thành con rối trong tay bọn cơ hội,
phản động.
Chúng ta đã có không ít bài học
đau xót về một vài cán bộ từng là những chiến sĩ kiên trung, có công lao to lớn
nhưng khi nghỉ hưu lại bị “chuyển hóa”, “đổi màu”, đi ngược lại con đường cách
mạng của Đảng, của nhân dân, trở thành những “át chủ bài” của các thế lực thù
địch trong việc chống phá Đảng, Nhà nước. Hiện tượng này từng được Chủ tịch Hồ
Chí Minh cảnh báo ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
non trẻ.
“Phải cải cách thể chế về công tác cán bộ,
không để lọt lưới người vi phạm vào các cơ quan quyền lực của Đảng, Nhà nước,
nếu không sẽ là mối nguy cho Đảng...” là phát ngôn của ông Trần Quốc Thuận
trong một bài viết về công tác cán bộ cách đây vài năm. Có lẽ chính ông ta cũng
không biết rằng, bản thân ông cùng những kẻ đồng hành như Chu Hảo, Nguyễn Đình
Cống, Tương Lai... lại đang trở thành mối nguy của Đảng.
Đăng nhận xét