Sự khác nhau về bản chất xã hội qua cơn đại dịch này
không chỉ làm người dân Việt Nam thêm tin tưởng, tự hào về con đường mà Bác Hồ,
Đảng, đất nước và nhân dân đã chọn, mà còn làm cho nhiều người trước đây mơ hồ,
mặc cảm sớm nhận ra…
Nhiều thập
kỷ qua, không ít người tung hô, ca ngợi xã hội tư bản, như là ở đó họ có một
chế độ với đầy đủ tự do, bình đẳng, bác ái và những tiến bộ về kinh tế và khoa
học công nghệ đỉnh cao nhất. Thế nhưng, họ lại cố tình phủ nhận những mặt trái
cố hữu của nó: Luôn tạo ra giàu, nghèo và sự khốn cùng của người lao động; đối
xử rẻ mạt với người lao động nghèo khó, người không có tiền bạc và địa vị xã
hội; đặc biệt là tình con người đối với con người với nhau.
Mọi người
còn nhớ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu từ nước Mỹ lan rộng ra thế
giới làm hàng trăm nền kinh tế điêu đứng, nhân loại nhiều năm mới khắc phục
được. Giờ đây, đại dịch Covid-19 đã và đang cho thấy những mảng tối khủng khiếp
ẩn sau sự hào nhoáng của xã hội tư bản. Nước Ý đang như “ngày tận thế” với hàng
ngàn người chết, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và ngay nước Mỹ cũng không kém, gặp
nhiều khó khăn, thách thức...
Ở Mỹ,
người ta phải tự bỏ hàng ngàn USD để được xét nghiệm và điều trị dịch bệnh, bản
thân nước Mỹ cũng đã và đang là nơi dịch bệnh hoành hành với số người không hề
nhỏ. Nhiều người trước đây lớn tiếng ca ngợi tính dân chủ của chế độ đa đảng ở
một số nước, bây giờ họ bỗng giật mình.
Không ít
người đã từng phê phán Việt Nam là chế độ độc tài một đảng, bóp nghẹt dân chủ.
Ấy vậy mà khi đại dịch mới chỉ manh nha bắt đầu thì từ Trung ương Đảng, Chính
phủ, các cấp, ngành, địa phương đã mất ăn, mất ngủ trong những ngày đất nước
đang đón chào xuân mới. Khi dịch bệnh lan tỏa, Đảng, Chính phủ không chỉ lo
chung cho đất nước mà còn lo đến tận những người dân bình thường.
Tổng Bí
thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân phòng chống đại
dịch Covid, lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng, Nhà nước thể hiện sự quan tâm
của Đảng đối với đất nước và tính mạng của mỗi người dân, làm lay động đến mọi
trái tim người dân đất Việt. Chưa hết, Chính phủ còn tổ chức các khu cách ly để
ngăn chặn dịch bùng phát; cho hẳn cả chuyến bay sang vùng dịch đón công dân về
nước; miễn phí điều trị và phí cách ly đối với người Việt và người nước ngoài.
Trong
những ngày cả nước gồng mình chống đại dịch, nhiều tổ chức, các nhân đã đóng
góp hàng trăm tỷ đồng cùng Nhà nước để chống dịch. Có người, ngoài số tiền lớn
đóng góp hàng tỷ đồng, họ còn hiến hàng ngàn mét đất làm khu cách ly; nhiều
cháu nhỏ tích cóp tiền lì xì năm mới cũng gửi ủng hộ chống dịch; nhiều y, bác
sĩ đã nghỉ hưu nhưng vẫn tình nguyện xung phong đi chống dịch; nhiều cán bộ,
nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, nhân viên hàng không đêm
ngày không ngủ, bất chấp hiểm nguy để cùng cả nước chống dịch. Tất cả đều kề
vai sát cánh cùng Đảng, Nhà nước phòng chống dịch.
Mặt trận
Tổ quốc phát động một phong trào nhắn tin cho cả xã hội và người dân được ủng
hộ “góp gió thành bão” để cả nước có thêm nguồn lực chống dịch. Chưa bao giờ cả
đất nước cùng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” tự nguyện kề vai sát
cánh bên Đảng, Nhà nước như thế!
Đó có phải
là lòng dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào chế độ tốt đẹp ở Việt
Nam, hay “lòng dân oán thán chế độ” như nhiều người vẫn rao giảng, viết trên
mạng nói xấu chế độ?
Sự khác
nhau về bản chất xã hội qua cơn đại dịch này không chỉ làm người dân Việt Nam
thêm tin tưởng, tự hào về con đường mà Đảng, đất nước và nhân dân đã chọn, mà
còn làm cho nhiều người trước đây mơ hồ, mặc cảm sớm nhận ra.
“Vì sức
khỏe của dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn" –
đó là lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ đối với người dân Việt Nam.
Trong khi nhiều nước chưa tổ chức được các khu cách ly, nhiều Việt kiều về nước
và khách nước ngoài vào Việt Nam, họ từ chỗ lo lắng đến khi vỡ òa cảm xúc, tại
đây họ được ăn nghỉ miễn phí, được bộ đội phục vụ chu đáo như người thân, khác
hẳn với nhiều quốc gia khác.
Trước đây,
không thiếu kẻ nói xấu, xuyên tạc bản chất của quân đội, kêu gọi quân đội trung
lập, chia rẽ, đòi tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, quân đội xa rời
nhân dân… Bây giờ họ thấy hàng ngàn bộ đội vào rừng sâu núi thẳm, bịt kín những
đường mòn, lối mở không cho dịch lan và đất nước; nhường doanh trại cho người
dân vào cách ly theo chủ trương của Chính phủ; thức khuya, dậy sớm phục vụ chu
tất cơm ngon, canh ngọt hàng ngày cho người dân, bảo đảm cho họ có cuộc sống
tốt nhất có thể về vật chất và tinh thần trong những ngày cách ly.
Nguy cơ
dịch bệnh có thể còn tiếp diễn lâu dài, khốc liệt hơn, Chính phủ đã có hàng
loạt biện pháp được dư luận xã hội và người dân đồng tình, ủng hộ: tạm dừng
xuất khẩu gạo, tạm tạm dừng chuyến bay, tạm đóng cửa các quán bar, nhà hàng di
tích, đền chùa, lễ hội; kêu gọi người dân không tập trung cùng một chỗ trên 20
người, giảm giá xăng dầu, nhập thịt lợn từ nước Nga về, hỗ trợ doanh nghiệp
giảm lãi xuất ngân hàng, giãn thời gian đóng thuế và bảo hiểm…
Trong cuộc
chiến “chống dịch như chống giặc”, nhiều người mới ngộ ra rằng, hãy trân trọng
nơi mình sinh ra và đất nước mà mình đang sống, vì ở đó có tình người sâu đậm,
có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một dân tộc, của chế độ xã hội. Cũng từ
trong dịch bệnh này, người dân Việt Nam thêm tin yêu vào chế độ, tin tưởng vào
Đảng, Nhà nước. Trong cuộc chiến đó, “Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh
nghiệm và ý chí để chiến thắng dịch” - Đó cũng là sự khẳng định bản chất chế độ
XHCN ở Việt Nam./.
Đăng nhận xét