Trong cơn đại dịch Covid-19, nhiều người nghèo khó phải thực hiện giãn cách xã hội, không đi làm, không thu nhập đã được những tấm lòng hảo tâm cưu mang bằng những suất ăn, phần quà đơn giản để duy trì cuộc sống qua ngày. Vậy mà có những người khá giả đã nghiễm nhiên tranh lấy những suất ăn cứu trợ ấy. Thật vô liêm sỉ, thiếu tình người!


Với truyền thống tương thân tương ái, những ngày qua, cả nước xuất hiện nhiều gương sáng với tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện đã chung tay, góp sức cùng toàn dân chống dịch. Những em bé dành tiền tiết kiệm mua khẩu trang, nước rửa tay phát cho người nghèo. Các cụ già chắt chiu từng đồng tiền, từng bát gạo, bó rau, chục trứng mang tới những khu cách ly để tiếp sức cho lực lượng phục vụ. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít, tất cả vì chiến dịch chống "giặc" covid. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, đạo lý thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân ta. Đó cũng là hành động thiết thực của các tầng lớp nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống dịch.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác xuất hiện những điểm cấp phát khẩu phần ăn miễn phí giúp người nghèo. Mì tôm, gạo, muối, trứng, xúc xích, nước uống của những người hảo tâm được các tình nguyện viên mang tới. Mỗi túi khẩu phần ăn ấy bảo đảm hai bữa ăn tối thiểu cho một người trong một ngày. Ở những điểm phát thực phẩm đều có khẩu hiệu ghi rõ: "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn hãy đến lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác. Mỗi người một gói, không sợ hết, chỉ lấy đủ dùng".  Thế nghĩa là người "cần", người "khó khăn" mới thuộc đối tượng lấy suất thực phẩm ấy. Người cần và khó khăn là người lao động tự do, mất việc làm, lang thang cơ nhỡ, họ thực sự khó khăn vì không có thu nhập, không có tiền lo ăn hàng ngày. Mỗi điểm cấp phát ấy một ngày cung cấp hàng trăm suất.

Nếu những người đến nhận túi quà tình nghĩa ấy đúng đối tượng thì người làm việc thiện cảm thấy vui lòng. Nhưng cái nghịch lý là đã có những đối tượng khá giả cũng lợi dụng lòng tốt của người khác đến lấy quà. Dư luận đã bắt đầu tỏ thái độ phản đối kịch liệt những người tham lam ấy. Trên mạng đã xuất hiện hình ảnh cả người đi ô tô, xe máy, đeo vàng, đồng hồ đắt tiền trên người dừng lại lấy quà. Có xe máy hai người đi cũng dừng lại, cả hai vào lấy hai túi quà. Chưa cần biết họ là ai nhưng nhìn họ đi xe đắt tiền, có đồ trang sức như vậy mà còn lấy đi khẩu phần ăn dành cho người nghèo thì không thể chấp nhận được. Họ làm gì đến mức thiếu đói bữa ăn hàng ngày mà làm cái việc đáng chê trách như vậy. Chính vì có những người tham lam như thế mới để xảy ra cảnh "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Họ gây tình huống khó xử cho những tình nguyện viên ở điểm cấp phát quà vì không thể hỏi cái lý lịch trích ngang xem họ là thành phần nào. Quà không thiếu mà chỉ mất đi sự công bằng.
Trong chiến dịch phòng chống Covid-19 này lại bộc lộ rõ thêm nghịch cảnh: nhiều tấm lòng thơm thảo của người đồng cảm, chia sẻ nỗi khốn khó với những hoàn cảnh yếm thế trong xã hội và những người có lòng tham vô lối. Tranh suất ăn của người nghèo như thế, lương tâm họ không bị cắn rứt mới lạ. Pháp luật chưa có chế tài xử lý họ nhưng tòa án lương tâm sẽ phán xét và trước mắt là dư luận phản ứng mạnh mẽ. Họ tham lam suất ăn đáng vài chục nghìn đồng như vậy thì họ cũng sẵn sàng tham lam với những món tiền của, vật chất tiền triệu, tiền tỷ là chuyện tất yếu, bất chấp đạo lý và luật pháp.
Những người tham, ăn tranh suất của người nghèo như vậy không nhiều, nhưng "con sâu bỏ rầu nồi canh", họ là hiện thân của đạo lý phi truyền thống. Họ càng trở nên "bé mọn" trước những nhân tố tích cực, là những "lá lành" đang dang rộng vòng tay "đùm lá rách" đang xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội. Đó là tín hiệu đáng mừng của xu thế cái tốt nhấn chìm cái xấu. Ở giai đoạn khó khăn này, các tầng lớp trong xã hội đang bừng lên một tinh thần đoàn kết với bao việc làm thiết thực, cảm động góp sức để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
 St

Đăng nhận xét

 
Top