Sáng ngày 09/9/2020, tại phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm, đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm luận tội.



Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng. Chỉ vì tham lam, các bị cáo đã tham gia chống đối chính quyền, hô hào, kích động dùng “bom” xăng, gạch đá... tấn công lực lượng công an.

Việc gây ra cái chết cho ba chiến sỹ Công an của các bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, tính chất côn đồ, hung hãn, gây mất tự trị an, hoang mang, lo lắng và bất bình trong dư luận quần chúng.

Hành vi của các bị cáo đã gây ra tổn thất, mất mát không gì bù đắp nổi cho gia đình các nạn nhân.

Theo đại diện Viện kiểm sát, gia đình các chiến sỹ Công an mất đi người thân, ngành Công an mất đi ba chiến sỹ, nhưng sự hy sinh của các anh không vô nghĩa vì đã mang lại bình yên cho xã hội, làm thức tỉnh lương tri của nhiều bị cáo ở đây.

Đại diện Viện kiểm sát cũng gửi lời chia sẻ những mất mát với gia đình ba chiến sỹ Cảnh sát.



Đối với các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh và Nguyễn Quốc Tiến, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đây là những kẻ chủ mưu, cầm đầu, có động cơ giết người. Các bị cáo này đều thực hiện tội phạm cấu kết chặt chẽ, đứng đầu là ông Lê Đình Kình.

Bị cáo Công là giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, kích động giết hại Công an; kích động nổ mìn trạm điện, phân công vị trí, vai trò cho các bị cáo khác. Bị cáo tích cực thực hiện hành vi phạm tội và là người trực tiếp làm “bom” xăng, ném “bom” xăng, lựu đạn vào lực lượng Công an.

Việc lựu đạn không nổ nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Động cơ của bị cáo là giết càng nhiều Công an càng tốt.

Bị cáo Công bị đại diện Viện kiểm sát cho là không thành khẩn khai báo, quanh co, che giấu. Bị cáo có nhân thân xấu khi từng bị án tù vì tội cố ý gây thương tích, cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, bị cáo Chức biết ông Lê Đình Kình là kẻ chủ mưu, cầm đầu. Khi biết lực lượng Công an về, Chức tụ tập nhiều người chống đối.

Bị cáo đã ném 1 quả lựu đạn, đâm tuýp sắt có gắn dao bầu về phía Công an, làm ba chiến sỹ ngã xuống hố.

Bị cáo cùng đồng bọn đổ xăng đốt, gây ra cái chết đau thương, là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho ba chiến sỹ Cảnh sát, thể hiện mất nhân tính, không còn khả năng cải tạo. Bản thân bị cáo chưa thực sự thành khẩn, đổ tội cho bị cáo Doanh, đã từng bị đưa ra xét xử tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng, hành vi không thể dung thứ, cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

Đối với bị cáo Doanh, đại diện VKS cho rằng, khi Công an trấn áp, bị cáo tấn công làm ba chiến sỹ ngã xuống hố, cũng chính là người đưa xăng cho Chức đổ xuống hố thiêu chết các chiến sỹ.

Hành vi của bị cáo quyết liệt và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ. Bị cáo từng bị xử lý hình sự vì tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

Hành vi của bị cáo phạm vào tội giết người với các tình tiết định khung tăng nặng, đặc biệt nghiêm trọng, cần áp dụng mức hình phạt tương xứng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra và tại tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải nên không cần thiết phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội, đề nghị cho bị cáo được hưởng nhân đạo của pháp luật.

Theo đại diện VKS, bị cáo Hiểu và Tuyển là tác nhân để đồng phạm giết chết ba chiến sỹ Cảnh sát.

Hành vi của các bị cáo phạm vào tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng, cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hai bị cáo này đều tham gia với tính chất mức độ nhất định, không tham gia trực tiếp giết ba chiến sỹ.

Bị cáo Hiểu là người già, bị cáo Tuyển là người tàn tật, đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tội cho hai bị cáo, không cần thiết phải loại bỏ các bị cáo này ra khỏi đời sống.

Trong phần luận tội, đại diện VKS đưa ra quan điểm: Đối với nhóm 19 bị cáo được đề nghị thay đổi tội danh (từ tội giết người sang tội chống người thi hành công vụ), đánh giá một cách tổng thể thì hành vi của 19 bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội giết người như cáo trạng đã truy tố là có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai nhận tội của các bị cáo tại CQĐT và lời khai nhận tội của các bị cáo tại tòa, nhận thấy, hầu hết các bị cáo này là nông dân, bị lôi kéo kích động, được hứa chia đất nên đã tham gia “Tổ đồng thuận” và đi theo ông Lê Đình Kình, theo bị cáo Công và Hiểu để thực hiện những hành vi phạm pháp.

Do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở những giai đoạn và mức độ nhất định.

Qua xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo này đã cơ bản biết rằng, vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn chia đất nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo ông Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải.

Xét về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ Công an bị tử vong.

Do vậy, đại diện VKS đã vận dụng chính sách pháp luật, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước để chuyển tội danh nhẹ hơn cho các bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời./.

 

Đăng nhận xét

 
Top