Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khép lại, không chỉ những tổ chức đội lốt “theo dõi nhân quyền”, “đấu tranh vì nhân quyền” như: Tổ chức phóng viên không biên giới - RSF, Tổ chức Kito hữu hành động đòi bãi bỏ tra tấn - ACAT… đưa nhiều luận điệu xuyên tạc, yêu sách phi lý mà một số tổ chức, cá nhân khác cũng vội lên tiếng.



RFA đưa tin: Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) ở Hà Nội hôm 18/9 ra tuyên bố “lên án” việc TANND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình hai bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Đồng Tâm, đồng thời bày tỏ “quan ngại về tính minh bạch và công bằng” của phiên toà xét xử 29 bị cáo trong vụ án vừa qua.

Tuyên bố của phái đoàn EU tại Hà Nội có đoạn viết:

“Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người”.

“Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”

Thực ra, việc một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam mở “chiến dịch” phản đối phiên tòa vốn là chuyện không mới, không lạ, cũng không khó nhận ra mục đích của việc vu cáo, vu khống đó là nhằm hạ uy tín của Việt Nam, phá hoại quan hệ của Việt Nam với các nước khác.

Có thể thấy rằng, việc duy trì hay xoá bỏ hình phạt từ hình là do luật pháp của mỗi quốc gia quy định. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì trên 195 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, có 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình, 104 quốc gia theo luật định đã bãi bỏ hình phạt này cho mọi loại tội, 8 quốc gia bãi bỏ cho những tội hình sự thông thường (ngoại trừ những tội đặc biệt hay tội ác chiến tranh) và 28 quốc gia trên thực tế đã bãi bỏ án tử hình. Như vậy, việc duy trì án tử hình là do quan điểm lập pháp và quan điểm trừng trị kẻ phạm tội của riêng các quốc gia. Điều quan trọng là nó phù hợp với lịch sử, chính trị, văn hoá của từng nước và được đông đảo người dân quốc gia đó chấp nhận. Vi phạm pháp luật phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức, quản lý xã hội của mọi quốc gia văn minh, có chủ quyền, do vậy, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) căn cứ vào đâu để lớn tiếng chỉ trích và lên án bản án tử hình đã được toà án tuyên cho hai bị cáo phạm tội giết người là Lê Đình Công, Lê Đình Chức?

Cũng cần nói thêm Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) rằng, quá trình diễn ra phiên toà xét xử vụ án tại Đồng Tâm đều đã được đưa tin rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tại phiên tòa, các luật sư đã phát biểu bài bào chữa cho các bị cáo. Hội đồng xét xử điều khiển phần tranh tụng tại phiên tòa dân chủ, khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Đáng chú ý, trong lời nói sau cùng trước tòa, nhiều bị cáo đã từ chối luật sư tiếp tục bào chữa cho mình do hành vi vi pháp pháp luật đã quá rõ ràng và hầu hết các đối tượng, kể cả những đối tượng chủ mưu, cầm đầu như Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu đều đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cúi đầu xin lỗi gia đình các chiến sĩ công an đã hy sinh và xin hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Do vậy, việc “quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa” mà Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) đề cập tới là hoàn toàn không có cơ sở./.

 

Đăng nhận xét

 
Top