Tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” sinh ra bệnh ảo tưởng quyền lực. Không ít những “con cua đồng” khi được trao quyền lực đã tự huyễn hoặc mình là “cua hoàng đế” hay những con “cá mương” nhưng tưởng mình là “cá mập đại dương”.
1.
Trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác
chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn
Phú Trọng dẫn lại con số từ đầu nhiệm kỳ khoá XII gần 100 cán bộ cao cấp thuộc
diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Do đó,
phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn
nhân sự khóa XIII, tránh tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây".
Cần
lưu ý rằng, trong bài viết, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã sử dụng khá
nhiều câu thành ngữ, tục ngữ và những lời dăn dạy của người xưa để nói về công
tác cán bộ hôm nay.
Đặc
biệt, tại nhiều diễn đàn, hội nghị liên quan đến công tác cán bộ, lựa chọn nhân
sự cho khóa mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại
như một lời cảnh báo về tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” để chống lại các
biểu hiện tiêu cực, phát huy dân chủ, chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân
quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn,
tuỳ tiện, vô nguyên tắc.
2. “Càng
cua” và “vây cá”, đơn thuần về mặt sinh học có thể hiểu là những “vũ khí” lợi
hại của những cá thể cua và cá trong quần thể sinh vật. Cua cậy càng để chống
lại người muốn bắt cua, để “diễu võ giương oai”, trở thành một thế lực không ai
dám đụng đến.
“Cá
cậy vây” có nhiều cách hiểu cho dù về mặt sinh học, vây cá thường có tác dụng
giữ thăng bằng để bơi. Tuy nhiên, có những loài cá thường dùng lợi thế vây để
vùng vẫy, biến “đại dương” thành “ao nhà” với tham vọng “cá lớn nuốt cá bé”.
Thực
tế công tác cán bộ những năm qua đã bộc lộ những khe hở để những “con cua, con
cá” dùng “càng”, dùng “vây” tự tung tự tác, gây hậu quả nghiêm trọng, làm sụt
giảm niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nghiêm
trọng hơn “càng cua” và “vây cá” lại bị lợi dụng để phô trương thanh thế, cậy
thế, cậy thần, tạo nên những thế lực riêng, thành vây cánh, lợi ích nhóm lũng
đoạn tổ chức.
Trở
lại bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng ta nói đến
tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” trong mối quan hệ với tập thể, trong công
tác lãnh đạo, nhất là việc lựa chọn nhân sự: “Nguyên tắc của chúng ta là
"tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập
thể". Chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để
mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu; để khi mỗi
cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn
diện, vững mạnh hơn; và mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều
hơn phẩm chất và năng lực của mình. Tránh tình trạng "cua cậy càng, cá cậy
vây", tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt”.
Từ
chỗ “cậy càng, cậy vây” nên nảy sinh nạn “tự cao tự đại, coi thường người
khác”. Đây chính là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, một “căn bệnh” mà trong
suốt lịch sử hơn 90 năm, Đảng ta luôn tìm mọi cách đấu tranh, ngăn chặn, đẩy
lùi. Trong một tập thể mà để cho cá nhân lộng hành, để cho những con “cua” con
“cá” tự cao tự đại, không chịu phối hợp công tác thì không thể có một tổ chức
mạnh.
Hiểu
một cách nôm na, ý của Tổng Bí thư là muốn cảnh báo một tình trạng không còn
hiếm gặp bấy lâu nay, đó là một số người khi có quyền lực trong tay đã cậy
quyền, cậy thế, không chịu lắng nghe, tiếp thu, học hỏi, không đặt mình trong
mối quan hệ với tập thể, không chịu phát huy sức mạnh tập thể trong lãnh đạo,
điều hành.
3.
Quyền lực bị thao túng vào tay cá nhân theo kiểu “cậy càng, cậy vây” là thứ
quyền lực bị tha hóa. Bởi lẽ, về bản chất quyền lực có được từ vị trí công tác
không phải quyền lực cá nhân. Đó là quyền lực được Đảng, Nhà nước, nhân dân
giao phó để phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Sử dụng quyền lực vào
mục đích cá nhân hay nói cách khác là sử dụng sai chức năng của quyền lực không
sớm thì muộn sẽ bị trả giá.
Những
năm qua, Đảng ta đã tăng cường siết chặt, kiểm soát quyền lực bằng những chiếc
“lồng cơ chế”. Tuy nhiên, có không ít “con cá, con cua” vẫn cố tình “cậy càng,
cậy vây” để vùng vẫy, tự tung tự tác. Kết cục là cả càng và vây đều bị gãy;
cua, cá đều chết đuối… dưới nước.
Nghiêm
trọng hơn, tình trạng “cậy càng, cậy vây” sinh ra bệnh ảo tưởng quyền lực.
Không ít những “con cua đồng” khi được trao quyền lực đã tự huyễn hoặc, nghĩ
mình là “cua hoàng đế”, hùng cứ một phương, thống lĩnh một cõi, thách thức pháp
luật. Lại có những con “cá mương” nhưng ảo tưởng mình là “cá mập đại dương” cậy
vây to muốn đẩy sóng, lật thuyền.
Những
kẻ ảo tưởng quyền lực như thế khi được trao quyền dễ trở thành “quan phụ mẫu”,
xa dời quần chúng, coi dân như con.
Đây
cũng là hiện tượng đáng báo động mà từ trước đó, năm 2016, tại Hội nghị triển
khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các
chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan
cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông
vua con" ở đấy”.
Thực
tế cho thấy, nơi nào kiểm soát quyền lực không tốt, người đứng đầu bị tha hóa
quyền lực dễ trở thành kẻ “cầm đầu” độc đoán, chuyên quyền, coi tập thể là công
cụ để sai khiến. Nhiều chỗ, nhiều nơi, nạn “cua cậy càng, cá cậy vây” đã khiến
tình trạng mất đoàn kết kéo dài, trở thành lực cản cho sự phát triển. Để cho
những người đứng đầu như thế trong tổ chức, tìm cách leo cao, luồn sâu vào
cương vị lãnh đạo cao hơn là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại
nước, hại dân nhiều hơn.
Làm
sao để “càng” và “vây” phải được hiểu như một chức phận để phụng sự chứ không
phải là một thứ “vũ khí” lợi hại để diễu võ giương oai. Nhiệm vụ do tổ chức
phân công nhất định không thể bị biến thành công cụ để thể hiện quyền lực cá
nhân, vì mục đích cá nhân.
Đăng nhận xét