Trung Quốc càng hung hăng trong các hành động gây hấn ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực cùng cộng đồng quốc tế càng có những động thái và biện pháp mạnh mẽ để đáp trả, quyết không để những gì đã diễn ra trong quá khứ tái lặp lại trên vùng biển chiến lược này ngày hôm nay.



1. Toan tính lặp lại chiến thuật “vùng xám”

Câu hỏi những chiếc tàu vỏ sắt dân binh biển của Trung Quốc tập trung bất thường từ đầu tháng 3/2021 ở khu vực bãi đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đi đâu mấy ngày qua khi số lượng hơn 200 tàu giảm xuống mấy chục tàu đã có câu trả lời. Những bức không ảnh mới nhất của Philippines cho thấy, hàng trăm chiếc tàu dân binh biển của Trung Quốc đang tập trung ở đá Ga Ven và đá Ken Nan thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hình ảnh do vệ tinh châu Âu và Mỹ chụp được hãng thông tấn AFP công bố trong ngày 13/4 cũng cho thấy, đội tàu dân binh biển của Trung Quốc đang hiện diện số lượng đông đảo hàng trăm chiếc tại đá Ga Ven như các hình ảnh mà lực lượng chức năng của Philippines chụp được. Theo giới chuyên gia, đội tàu dân binh biển Trung Quốc không còn tập trung đông đúc và kết bè lớn như tại đá Ba Đầu mà tỏa ra, xuất hiện dày chung quanh đá Ga Ven và đá Ken Nan thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, từ đầu tháng 3/2021, giới chức Philippines cùng những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho biết, hàng trăm tàu vỏ sắt của Trung Quốc tập trung một cách bất thường trong vùng biển sát đá Ba Đầu thuộc lãnh hải của Việt Nam ở cụm đảo Sinh Tồn Đông nằm trong quần đảo Trường Sa. Những kiểm đếm sau đó cho thấy, số lượng tàu vỏ sắt của Trung Quốc lên tới hơn 220 chiếc, trong đó nhiều chiếc kết thành bè lớn.

Phía Trung Quốc biện minh rằng, đó là những tàu cá, tập trung ở đá Ba Đầu là “do thời tiết xấu”. Tuy nhiên, giới chức Philippines đã lập tức bác bỏ khi khẳng định thời tiết tại khu vực này rất tốt, hơn nữa những tàu này chỉ bật đèn sáng suốt đêm chứ hoàn toàn không có bất kỳ một hoạt động đánh bắt hải sản nào.

Giới chức Philippines khẳng định, hàng trăm tàu vỏ sắt của Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu từ hồi đầu tháng 3 chính là tàu dân binh biển Trung Quốc trá hình tàu cá. Chính vì thế, việc hàng trăm tàu dân binh biển có những hành vi hung hăng, gây hấn ở đá Ba Đầu đã khiến các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế và giới phân tích cùng lo ngại cho rằng, Bắc Kinh đang toan tính một lần nữa lặp lại chiến thuật “vùng xám” đối với đá Ba Đầu, một bãi cạn có diện tích khoảng 10km thuộc cụm đảo Sinh Tồn Đông ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong chiến lược xuyên suốt hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực thi chiến thuật “vùng xám”, sử dụng sức mạnh đông đảo của đội tàu cá vỏ sắt trá hình mà thực chất là tàu dân binh biển với sự hậu thuẫn của các tàu vũ trang để chiếm đóng trái phép quyền kiểm soát các thực thể như bãi cạn Scaborough do Philippines kiểm soát năm 2012, đá Vành Khăn (cách đá Ba Đầu khoảng 50 hải lý) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1995. Vì thế, sự tập trung bất thường của hàng trăm tàu dân binh biển do quân đội Trung Quốc quản lý ở đá Ba Đầu thuộc chủ quyền hợp pháp và không thể tranh cãi của Việt Nam đã khiến giới chuyên gia nhận định rằng, Trung Quốc có thể đang toan tính tái lặp lại chiến thuật nguy hiểm cách đây 9 năm để cưỡng chiếm và kiểm soát Scaborough.

Lo ngại này càng cơ sở hơn khi cùng thời gian đội tàu dân binh biển hàng trăm chiếc tập trung ở đá Ba Đầu rồi tỏa ra đá Ga Ven và đá Ken Nan thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhiều tàu vũ trang, tàu chiến hạng nặng của Trung Quốc cũng hiện diện trong khu vực để ngấm ngầm hậu thuẫn. Mới đây nhất, biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Đông của Trung Quốc sau khi tập trận ở vùng biển gần đảo Đài Loan đã tiến xuống phía Nam, vào Biển Đông. Có thông tin cho biết, biên đội tác chiến tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng, cũng đang hiện diện ở Biển Đông.

2. Không chấp nhận phô trương, lấn tới ở Biển Đông

Hàng loạt động thái phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang được các nước khu vực, cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia có lợi ích gắn bó với vùng biển này quan tâm với sự lo ngại sâu sắc. Bộ Ngoại giao Philippines ngày 13/4 đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này tới để phản đối về các hành động của tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Bộ Ngoại giao Philippines trước đó cũng gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, và phản bác cách giải thích của Trung Quốc nói rằng các tàu vỏ sắt trá hình ở đá Ba Đầu chỉ là “tàu cá thông thường neo trú do thời tiết xấu”.

Đồng thời với việc phản ứng mạnh mẽ qua kênh ngoại giao, Philippines cũng có những hành động trên thực địa để đối phó với hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 13/4, Philippines đã triển khai thêm 1 tàu tuần duyên, 4 tàu hải quân và 2 tàu thuộc cơ quan bảo vệ nghề cá tới nhiều tàu Trung Quốc tập trung bất thường ở Biển Đông.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 10/4 vừa qua đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin để thảo luận về tình hình Biển Đông và việc hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu. Tại cuộc điện đàm, ông Austin đề xuất hàng loạt biện pháp để tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, bao gồm “nâng cao nhận thức tình hình các mối đe dọa ở Biển Đông”, đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cùng cam kết duy trì liên lạc chặt chẽ.

Chỉ một ngày sau cuộc điện đàm, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) ngày 11/4 đã cho biết, cuộc tập trận chung với Mỹ mang tên Balikatan được nối lại và bắt đầu ngay từ ngày 12/4 trong thời gian 2 tuần với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ hai nước. Cuộc tập trận được cho là sự hợp tác, cùng hành động của Philippines và Mỹ để đáp trả sau một loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.



Trước đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC).

Người phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực./.

 

Đăng nhận xét

 
Top