Thành
công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cùng những quyết
sách nhân sự quan trọng tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV đã tiếp thêm
động lực để cán bộ, đảng viên cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đổi
mới tư duy, triển khai những giải pháp đột phá hoàn thành tốt hơn chức trách,
nhiệm vụ được giao. Nhưng để những đổi mới, đột phá thật sự đạt hiệu quả, cần
kiên quyết, nỗ lực chống căn “bệnh” hình thức, “né” trách nhiệm.
Hình
thức là một khái niệm được sử dụng rộng rãi, dùng để chỉ hiện tượng chú trọng
đến cái bên ngoài hơn nội dung bên trong. Khi quá chú trọng đến hình thức, coi
thường nội dung thì đó là "bệnh" hình thức. Còn trách nhiệm, theo Từ
điển tiếng Việt, có nghĩa là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về
mình”; “là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm
tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”... Nếu như “bệnh”
hình thức gây ra lãng phí tiền bạc, thời gian, dung túng cho sự dối trá thì
thói “né” trách nhiệm đã làm tăng thêm tệ quan liêu, thờ ơ, vô cảm trong bộ máy
công quyền.
Quả
không nói quá khi đặt vấn đề rằng “bệnh” hình thức đã hiển hiện ở mọi cơ quan,
đơn vị, địa phương. Từ xây trụ sở làm việc quá to, sắm nội thất đắt tiền, đến
tổ chức khánh thành, khởi công, tổng kết, sơ kết, gặp mặt, kỷ niệm, đón nhận
phần thưởng... một cách phô trương. “Bệnh” hình thức là “mẹ đẻ” và tồn tại song
hành cùng “bệnh” thành tích, gây ra thói dối trá, "làm láo báo cáo
hay", lấy "mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong", làm đẹp và chiếm
lòng tin cấp trên để che đi những khiếm khuyết mang đậm màu sắc chủ nghĩa cá
nhân.
“Né”
trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã trở thành đề tài tốn kém
giấy mực của các cơ quan báo chí. Nhẹ thì là những biểu hiện quanh co, tìm mọi
cách đổ lỗi cho cá nhân, tập thể khác trong thực thi nhiệm vụ chức trách. Nặng
hơn, thì bê trễ công việc cấp trên giao, thậm chí từ chối nhận nhiệm vụ...
Trước tình trạng “né” nhiệm vụ và trách nhiệm có dấu hiệu tăng nhanh, ngày 12/02/2020,
tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ
tịch nước) đã nhấn mạnh, chống “vi rút trì trệ” trong cán bộ từ Trung ương tới
địa phương là nhiệm vụ phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
“Bệnh”
hình thức và thói “né” trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan đã ăn sâu vào tiềm
thức của không ít cán bộ, đảng viên, là những biểu hiện gây ra tình trạng quan
liêu, cơ hội, lãng phí và thậm chí là đánh lừa nhận thức, tình cảm, luật pháp,
làm rối các chuẩn mực văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức và pháp lý đến độ rất khó chữa.
Căn bệnh này khiến không ít cơ quan, đơn vị chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng
tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề phát sinh, nổi cộm, mà thay vào đó là
tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau. Đây chính là nguyên nhân
kéo lùi động lực, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm hướng tới thực hiện
hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của đơn vị, địa phương.
Trong
“Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 8
khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch”, trong đó có "ham chuộng hình
thức", "phô trương cho oai", thích “làm việc lối bàn giấy”,
"chỉ tay năm ngón", "việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào
khó khăn không ưa thích thì bỏ"…
Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn,
đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ rõ “bệnh”
hình thức và biểu hiện thiếu trách nhiệm: Mắc bệnh "thành tích", háo
danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh
bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích",
"chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"… Kén chọn chức danh,
vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn
sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn...
Hiệu
quả, năng suất công việc trong thực thi công vụ chính là “thước đo” trình độ tư
duy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; phản ánh chất lượng quá trình tổ chức
chỉ huy, quản lý, điều hành bộ máy. Để loại bỏ “bệnh” hình thức, thói “né”
trách nhiệm cần có giải pháp cụ thể.
Trước
hết là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao đạo đức công
vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cần thay đổi cơ chế tuyển chọn
nhân sự theo hướng "vì việc tuyển dụng người". Đi đôi với đó, mạnh
dạn áp dụng cơ chế khoán (khoán việc - khoán người - khoán quỹ lương) để giúp
người đứng đầu có thêm quyền lựa chọn nhân sự tối ưu. Qua đó, thúc đẩy thực
hiện công việc hiệu quả, tạo sự sàng lọc để loại bỏ tình trạng cán bộ “sáng cắp
ô đi, tối cắp ô về”.
Trong
tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cần quán triệt tinh thần tiết kiệm, làm việc thực
chất, đánh giá thực chất thông qua hiệu quả công việc. Cần thực hiện phương
châm “6R” (rõ quy trình, rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ trách
nhiệm, rõ thời gian) một cách triệt để. Đi liền với đó là coi trọng công tác
kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần
dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới.
Đối
với mỗi cán bộ, đảng viên, việc trước tiên là cần không ngừng tu dưỡng đạo đức,
tận tâm, gương mẫu, có trách nhiệm hoàn thành công việc được giao. Kiên quyết
chống việc tranh công, đổ lỗi và phải rèn luyện tư duy cống hiến, phục vụ thay
cho tư duy ban phát.
Nếu
coi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương là một cỗ máy thì mỗi tổ chức nhỏ trong đó
là một cụm chi tiết và mỗi người là một chi tiết cấu thành. Cỗ máy ấy chỉ vận
hành đúng quy trình, quy phạm và hiệu quả lâu dài khi loại bỏ được các khuyết
tật và các loại “bệnh” như đã chỉ ở trên. Lợi ích từ biện pháp ấy cần được quán
triệt và thực hiện ngay để trị “bệnh” hình thức, “né” trách nhiệm, đáp ứng mong
mỏi của nhân dân./.
St
Đăng nhận xét