Việt Tân, Chân Trời Mới Media, Tiếng Dân… trước ngày 23/5/2021, đã gào hết mức về cái gọi là “tẩy chay bầu cử”. Gào váng trời, đất, nhưng chắc chắn, kẻ gào cũng chẳng hề tin có thể đạt chút ít kết quả nào đó. Thù địch, bất mãn thì phá bĩnh vậy thôi. Thế nên, kết quả 99,57% cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong ngày 23/5 vừa qua càng khiến họ tức tối.



Tiếp tục xuyên tạc sự kiện bằng các luận điệu cũ, với những là rằng, cuộc bầu cử này là hình thức, gian lận, tốn kém hàng tỷ USD, đàn áp người tự ứng cử, v.v… chưa đủ, trước dịch Covid-19 loang rộng, phức tạp hơn trong những ngày qua, trong các bài viết với những tít kích động: “Thắng lợi bằng mọi giá”; “Covid Việt Nam: nỗi lo đã thành sự thật”; “Việt Nam có thêm gần 500 người mắc Covid sau “Ngày hội non sông”, “Ngày hội toàn dân”, họ hô hoán om sòm rằng: đó là cái giá người dân Việt Nam phải trả “cho cái “tinh thần dân tộc” mà ĐCS đang bô bô?” (!?). Đồng thời, họ cũng không giấu nổi sự hả hê về những khó khăn, khốc liệt mà Việt Nam phải đương đầu với cuộc chiến chống dịch thứ 4 này. Tóm lại, Việt Nam “toang” là điều mà họ mong muốn, trông đợi nhất.

Vu cáo một cách thâm độc, nhưng, thực tế lại đang chống lại họ.

- Thứ nhất, trong làn sóng dịch thứ tư này, SARS-CoV-2, với biến chủng mới Nam Phi, Brazil, Anh và Ấn Độ, không chỉ độc lực mạnh, lây lan nhanh (còn lây lan cả trong không khí)…, có chừa một quốc gia nào trong khu vực?

Ấn Độ, không bầu, không cử gì, đang khốn khổ như thế nào – khỏi phải nói!

Nhìn quanh, Đài Loan, chuyện bầu, chuyện cử xong lâu rồi mà dịch nghiêm trọng tới mức phải đóng cửa trường học từ ngày 18/5.

Cũng không bầu, không cử, chỉ chăm chăm việc chống dịch, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia cùng đang điêu đứng. Thậm chí, tình hình các quốc gia trên còn thê thảm hơn Việt Nam rất nhiều với cả nghìn, chục nghìn các bệnh mới, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

Singapore, cuối tháng 4 còn được hãng tin Bloomberg xếp hạng là quốc gia chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, có tới 88% người dân hài lòng về phản ứng của chính phủ đối với dịch Covid-19 (con số này của Việt Nam là 91%, nên xếp trên) theo đánh giá của cơ quan nghiên cứu thị trường Ipsos; hầu như không có ca nhiễm nào bị phát hiện ngoài cộng đồng; là nước triển khai sớm và rộng chương trình tiêm chủng. Vậy mà chỉ 2 ngày sau, kể từ thời điểm một y tá 46 tuổi tại bệnh viện Tan Tock Seng có kết quả xét nghiệm dương tính, hàng chục ca nhiễm ngoài cộng đồng xuất hiện. Một tuần sau, đảo quốc Sư tử diện tích bằng Hà Nội của Việt Nam, đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới ở sân bay và các bến cảng. Tình hình nghiêm trọng tới mức, Lawrence Wong, một quan chức thuộc đội đặc nhiệm phòng chống Covid-19 của Singapore, đã phải cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trên lưỡi dao”…



Vậy thì căn cứ vào đâu để nói rằng, vì bầu cử mà tình hình dịch ở Việt Nam diễn biến nghiêm trọng thêm?

- Thứ hai, đối phó với dịch lần này, cùng với áp dụng các bài học kinh nghiệm ứng phó các làn sóng dịch trước, Việt Nam còn căn cứ diễn biến cụ thể của dịch để triển khai các giải pháp phù hợp, linh hoạt trên cơ sở nhất quán về quan điểm: thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Đối với sự kiện bầu cử, lường trước diễn biến mới, phức tạp của dịch, các phương án bầu cử đã được tính đến và chuẩn bị một cách chủ động, cụ thể, chi tiết, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Ngày 18/5, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục rà soát toàn diện, tập hợp kỹ càng các phương án bầu cử trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn. Ông Huệ còn chỉ đạo cụ thể: phải tổ chức diễn tập theo 4 kịch bản khác nhau; tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tất cả nhân sự tham gia tại các điểm bầu cử, ưu tiên tiêm phòng cho nhân sự tham gia bầu cử, nhất là địa bàn có rủi ro cao trong phòng chống dịch. Theo tinh thần trên, trong ngày bầu cử, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan, đã cử nhân viên y tế hỗ trợ cử tri mắc COVID-19 bỏ phiếu để không lây nhiễm từ bệnh nhân sang tổ bầu cử hay lây nhiễm trong khu vực bầu cử, đảm bảo quyền cử tri…

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định ngày 23/5 vừa qua. Vậy nên, ăn nói hàm hồ: vì bầu cử mà dịch lan rộng, nghiêm trọng hơn,…như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, Tiếng Dân và một vài trang mạng khác, không những không ai tin, mà còn mang tội vu khống.

Không chỉ vu khống nhà nước Việt Nam, mà còn vu khống cả cho con….SARS-CoV-2 nữa đấy.

 

Đăng nhận xét

 
Top