"Chống dịch Covid-19 phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương" là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ ngày 05/5/2021 vừa qua.



Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình, các nguyên tắc phòng, chống dịch mà Chính phủ đề ra là chính xác, hiệu quả. Đồng bào cả nước nhìn chung đã đoàn kết, đề cao cảnh giác, chấp hành tốt khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Các lực lượng Y tế, Quân đội, Công an và các lực lượng khác đã xả thân cùng toàn dân ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của "giặc" Covid-19. Thế nhưng, nghiêm túc nhìn nhận, vẫn có nhiều nơi, nhiều người chưa thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ, chưa thực tâm chống dịch.

Bằng chứng là ở ngay vùng dịch, tại không ít hội nghị, khi thấy máy quay phim hướng vào mình thì nhiều đại biểu mới vội... đeo khẩu trang. Cũng không ít người chỉ đeo khẩu trang đến cằm, đến miệng, còn hở nguyên cả mũi...

Không hiếm cơ quan, công sở tổ chức đo thân nhiệt và phun khử khuẩn phương tiện vào, ra, nhưng ô tô phóng ào qua, máy khử khuẩn chưa kịp phun đủ liều lượng phòng dịch.

Việc cách ly y tế cũng khá nhiều chuyện bi hài: Có nơi, ai tự khai thuộc đối tượng F2, F3 là phải cách ly tại nhà, nhưng những người sống cùng ngôi nhà ấy thì vẫn tung tẩy khắp nơi. Lại có cơ quan yêu cầu người F2, F3 phải ở nhà cách ly, song không báo với địa phương nên các F vẫn vô tư đưa con đến trường, đi chợ... Có cán bộ khu phố vì quá sợ Covid-19 nên cứ thấy người từ tỉnh, thành phố có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 về là đến dán biển báo cách ly trước cửa nhà, hoặc thông báo trên nhóm Zalo của khu phố theo kiểu “thà khoanh nhầm còn hơn bỏ sót”. Nhưng có địa phương được người dân tự giác báo cáo tình hình dịch bệnh thì hôm sau mới hồi âm. Không ít nơi rất nhiều văn bản chỉ đạo theo kiểu "vơ đũa cả nắm" mà không hề chú ý đến "mục tiêu kép" Chính phủ đề ra, không chú ý đến các lao động đặc thù, chỉ chăm chú hoàn thiện hệ thống văn bản dày đặc đối phó với cấp trên, gây khó khăn, hoang mang cho các tổ chức, cá nhân.



Nguy hiểm nhất là việc khai báo y tế còn hình thức, gian dối. Chuyện “ông đi vắng nên tôi khai hộ”, hoặc chỉ khai qua loa cho đỡ mất thời gian... không phải hiếm. Đặc biệt, nhiều người cố tình khai không đúng lịch sử tiếp xúc nhằm trốn cách ly, giữ bí mật riêng... là rất nguy hiểm. Thời gian qua đã phát hiện một số bệnh nhân Covid-19 khai báo y tế gian dối làm ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng, chống dịch, nhưng đa số chỉ bị xử lý hành chính.

“Chống dịch như chống giặc” là phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Việc đánh giặc luôn đòi hỏi ý chí quyết tâm và tập trung sức mạnh cao nhất; nếu chỉ "làm cho có", nặng về hình thức, phô diễn sẽ không thể chiến thắng. Với “giặc" Covid-19 vô cùng nguy hiểm, lại vô hình, nhất là khi biến chủng mới rất dễ lây lan, nếu không có biện pháp phòng, chống nghiêm túc, khoa học và thực chất thì chắc chắn bại trận.

Cho nên, tinh thần “Chống dịch Covid-19 phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần phải được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, trước hết là người đứng đầu; đồng thời mọi người đều phải tự giác chấp hành. Có như thế chúng ta mới nhanh đẩy lùi đại dịch.

Đã đến lúc, những ai, cán bộ nào triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch nặng về phô trương hình thức, gian dối, phải xử lý thật nghiêm khắc, vì đó chính là "nối giáo cho giặc... Covid-19"./.

 

Đăng nhận xét

 
Top