Kể từ khi xuất hiện, dịch Covid-19 đã cho thấy sự đặc biệt nguy hiểm. Nhưng không ai có thể lường hết được mức độ phức tạp và ảnh hưởng toàn diện, khủng khiếp của dịch bệnh này đối với thế giới.



Dịch Covid-19 đã xuất hiện khắp các châu lục, cướp đi sinh mạng của hơn 3,2 triệu người, gây ra thảm họa nhân đạo, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, đời sống, trở thành nỗi ám ảnh ở nhiều quốc gia. Loại virus gây bệnh ngày càng có nhiều biến thể mới lây lan nhanh hơn, độc lực cao hơn. Mong muốn hình thành trạng thái miễn dịch cộng đồng đối với dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới đạt được, mặc dù nhiều nước trong đó có Việt Nam đang tăng tốc độ tiêm vaccine.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Chúng ta đã kiềm chế được sự lây lan của dịch, đồng thời có các giải pháp để kinh tế - xã hội vẫn duy trì trong trạng thái tương đối bình thường, kèm theo các biện pháp PCD. Khi thế giới chưa tìm ra vaccine ngừa Covid-19 thì Việt Nam đã tìm ra “liều vaccine” của mình từ sự quyết liệt, hợp lý, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong việc đề ra và thực hiện biện pháp PCD, từ sự tự giác, tích cực của người dân, từ sự đồng sức, đồng lòng tạo ra sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn dịch bệnh.

Thế nhưng, thành công ấy cũng làm cho xã hội và ngay trong lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương xuất hiện tâm lý chủ quan. Thời gian qua, ở một số nơi, các biện pháp PCD đã không còn được duy trì tốt. Ngay trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, nhiều nơi tổ chức các hoạt động với hàng nghìn người tham gia, việc thực thi khuyến cáo "5K" không được duy trì nghiêm, trong khi dịch đang quay trở lại trong cộng đồng. Điều này gây lo lắng và tiềm ẩn nguy cơ tình hình dịch sẽ căng thẳng trong những ngày tới.

Dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Có thể nó sẽ còn tồn lưu rất lâu trong đời sống của nhân loại. Rất khó để chúng ta thoải mái sinh hoạt như trước khi dịch xuất hiện. Những quốc gia lơ là trong chống dịch đã phải trả những cái giá rất đắt bằng sinh mạng con người, bằng việc các hoạt động kinh tế - xã hội buộc phải ngưng trệ. Đó là những bài học cho chúng ta.

Thế nên, không thể “mất bò mới lo làm chuồng”. Vừa qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo siết chặt biện pháp PCD Covid-19. Nhưng không chỉ khi có tình huống khẩn cấp, mà một tâm thế, một trạng thái chủ động, thường xuyên trong PCD Covid-19 phải được hình thành trong mỗi cá nhân. Mỗi người phải chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc. Cách thức tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội cũng phải được thiết kế một cách phù hợp với yêu cầu PCD.

Từ hàng nghìn năm nay, người Việt Nam ta vẫn phải “sống chung với lũ”. Thời chiến tranh, đối phương trút bom đạn hủy diệt, nhưng cuộc sống vẫn diễn ra dưới những căn hầm trú ẩn, dứt tiếng bom là người nông dân lại ra đồng, người công nhân vào nhà máy, người giáo viên lại lên giảng đường... Rõ ràng, không thể PCD Covid-19 theo kiểu cực đoan “bế quan tỏa cảng”, ru rú đóng cửa ở trong nhà. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn trong một trạng thái phòng dịch cẩn trọng, thích hợp nhất./.

 

Đăng nhận xét

 
Top