Theo nghĩa thông thường thì danh xưng NGHỆ SỸ là để chỉ những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy, cứ ai hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật thì người đó là nghệ sỹ.



Tuy vậy, cần hiểu nghĩa của từ ở phạm vi rộng và sâu hơn. Đã hoạt động chuyên nghiệp thì nghệ sỹ phải có tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở việc được đào tạo bài bản về ngành nghệ thuật mà nghệ sỹ hoạt động, phải có năng lực nghệ thuật hơn người bình thường và có đủ tư cách nghệ sỹ khiến cho hoạt động của họ có tác động tích cực đối với cuộc sống.

Trên thực tế, danh xưng này cũng như nhiều danh xưng khác đã bị "tầm thường hóa", bị gán ghép tùy tiện cho các cá thể trong xã hội theo một công thức: Cứ nổi tiếng thì gọi là Nghệ sỹ.

Người làm được vài bài thơ kiểu "con cóc" lập tức được gọi là NHÀ THƠ. Người viết được mấy ca khúc theo kiểu tự hát ra rồi nhờ người khác ký xướng âm hộ, qua biểu diễn của ca sỹ, được một số người thích, lập tức trở thành NHẠC SỸ. Rồi thì "ông hoàng", "bà chúa", "di-va"... trở thành "nhãn hàng" của nhiều NGHỆ SỸ, tuy họ không đạt các tiêu chuẩn về nghệ thuật, không có bằng cấp được đào tạo tương xứng và cũng không có luôn những “đạo đức” tối thiểu để hành nghề.

Có những người hoạt động nghệ thuật nửa đời người nhưng mới được gọi là “Nghệ sỹ”, các danh hiệu như “Nghệ sũ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân” là một niềm tự hào và họ luôn cố gắng hoạt động nghệ thuật thật nghiêm túc để đạt được danh hiệu cao quý ấy.

Nhưng cũng có một số người khác nổi lên từ các clip trên mạng xã hội, được công chúng chú ý một thời gian thì cũng vỗ ngực tự xưng “nghệ sỹ”, đạo đức nghề nghiệp chưa được rèn luyện tới nơi nhưng những chiêu trò truyền thông bẩn thì có thừa trong tay, lúc nào cũng sẵn sàng tạo scandal để thu hút sự quan tâm của dư luận, nổi tiếng nhờ tai tiếng, nhận thức một số người không cao nên có nhiều phát ngôn thiếu suy nghĩ, một số thì có các hành xử rất “giang hồ”, có người đã từng dõng dạc tuyên bố: “Đừng bao giờ đụng vào nghệ sỹ” nghe thật ghê gớm! Số khác thì luôn trực chờ đưa các thông tin sai dự thật gây hoang mang dư luận, gây hiểu lầm, thậm chí một số kẻ còn đưa tin bài bôi nhọ đất nước, coi thường Tổ quốc...

Một Nghệ sỹ Nhân dân từng chia sẻ: “Bản thân tôi, chỉ đến khi được Nhà nước phong là Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân tôi mới dám nhận mình là nghệ sỹ, trước đó tôi chỉ dám nhận mình là ca sỹ thôi. Tức danh xưng nghệ sỹ là do quần chúng hoặc do chính quyền thừa nhận chứ không phải vỗ ngực tự phong là thành nghệ sỹ được. Nếu ai mới hoạt động nghệ thuật, chưa có thành tích gì, chưa có cống hiến gì, chưa được ai công nhận… mà nhận mình là nghệ sỹ thì sẽ loạn mất. Để được gọi là nghệ sỹ đâu phải đơn giản như thế.

Ngày nay, tôi thấy ai cũng có thể xưng mình nghệ sỹ nọ, nghệ sỹ kia… khiến cho khái niệm này bị dễ dãi hoá, tầm thường hoá.”

Có thể nói, việc tự xưng mình nghệ sỹ là quyền của mỗi người, không ai cấm được. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là lòng tự trọng của người đó khi khoác lên mình hai chữ “nghệ sỹ”. Trong một xã hội văn minh, việc tự xưng không có ý nghĩa gì, quan trọng là quần chúng nhân dân có coi người đó là nghệ sỹ hay không.

Nghệ sỹ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng phải ở nghĩa là sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chân chính hoặc là những người có kĩ năng (skill) đóng góp vào các sản phẩm nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Chúng ta nên hiểu, việc tham gia sáng tạo sản phẩm nghệ thuật phải được đánh giá xem đó có phải là sản phẩm nghệ thuật không đã. Nghĩa là công chúng thưởng thức/hội đồng nghệ thuật/nhà tri thức nghệ thuật thẩm định xem có phải là nghệ thuật không rồi mới xem xét anh đã xứng tầm để được phong là nghệ sỹ chưa. Nếu chưa có làm được như thế mà tự nhận mình là nghệ sỹ thì chỉ làm trò cười cho người đời.

Việc tầm thường hóa các tác phẩm nghệ thuật sẽ kéo theo những nghệ sỹ không phải là nghệ sỹ. Và như thế, thế giới nghệ thuật sẽ sản sinh ra những thứ dễ dãi, tầm thường, rẻ rúng…

Mình coi mình là nghệ sỹ nhưng cái cần để công chúng coi mình là nghệ sỹ đó chính là “tri thức”.

 

Đăng nhận xét

 
Top