"Nhân loại phải kết thúc đại dịch Covid-19 trong năm 2022, và con người đã có trong tay mọi công cụ để làm được điều đó".



Đó là tuyên bố hết sức lạc quan trong một cuộc họp mới đây của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Nhiều người cho rằng tuyên bố lạc quan này không dễ thực hiện. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, trong lúc này, giữ tinh thần lạc quan để vượt qua gian khó của đại dịch là cần thiết. Điều đó giúp chúng ta không trốn tránh hiện tại, cũng không sợ hãi, hoang mang mà bỏ cuộc hay mất hy vọng và niềm tin vào tương lai.

Tất nhiên tuyên bố trên có cơ sở. Chúng ta cần lưu ý vế sau trong câu nói của Tổng Giám đốc WHO, trong đó nhấn mạnh rằng công cụ khống chế dịch Covid-19 chính là khoa học của nhân loại; là sự bình đẳng trong tiếp cận vaccine, thuốc điều trị. Đó cũng mới chỉ là điều kiện cần. Điều quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là ý thức phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, cộng đồng, là tinh thần đoàn kết của tất cả mọi người.

Chúng ta lạc quan nhưng không chủ quan. Thực tế đã chứng minh những gì TP Hồ Chí Minh đã trải qua dịp cuối tháng 4/2021. Chỉ khoảng một tuần mất cảnh giác đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả sức khỏe người dân lẫn tình hình kinh tế, xã hội của “đầu tàu” kinh tế đất nước.

Tết Dương lịch, rồi sắp tới là Tết Nguyên đán sẽ là những khoảng thời gian liên tiếp của nhiều lễ hội và sự kiện. Thời gian này của những năm trước khi không có dịch sẽ là tưng bừng lễ hội, sự kiện, là nhộn nhịp những chuyến đi hay kế hoạch gặp mặt của bạn bè, thân hữu để hàn huyên, tâm sự... Nhưng nay tình hình thay đổi.

Chúng ta cũng buộc phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”. nghỉ lễ, Tết không đồng nghĩa với “xả hơi”, buông lỏng. Nhiều tỉnh, thành phố đã lập kế hoạch, phương án ứng phó nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, đặc biệt là trước lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam. Ghi nhận tại các địa phương, cơ quan, xí nghiệp cũng cho thấy, nhiều người lao động đã đăng ký làm thêm ngày, thêm giờ, đăng ký ở lại dịp Tết Dương lịch.

Nhiều người hủy các kế hoạch đi chơi ngày lễ để thay bằng những cuộc đoàn viên, sum họp đầm ấm bên gia đình. Có những người cũng từ chối hẹn gặp bạn bè, hoãn lại những chuyến thăm thú, những chương trình, kế hoạch vui chơi giải trí... với mong muốn hạn chế sự lây lan. Họ đang biến những điều giản dị mang một ý nghĩa lớn hơn, là niềm vui gia đình, xã hội mạnh khỏe, an vui. Những động thái này là cần thiết và cũng cho thấy ý thức của chính quyền, người dân đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người cảm thấy “ngứa chân, ngứa tay” khi nghỉ đến vài ngày mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Nguy hiểm hơn, vẫn còn những người chủ quan nghĩ rằng mình đã tiêm đủ hai mũi vaccine thì miễn nhiễm và không cần tuân thủ các biện pháp 5K về phòng, chống dịch... Suy nghĩ này cần sớm được chấn chỉnh. Chúng ta phải xác định đây là một cuộc chiến cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt.

Thói quen thăm hỏi nhau dịp Tết hay tính cách ưa đám đông, thích tụ tập của nhiều người Việt cũng cần thay đổi. Thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch như lời ngài Tổng Giám đốc WHO đề xuất là biện pháp bắt buộc để chúng ta khống chế dịch bệnh lúc này. Để những dịp lễ, Tết vui tươi, lành mạnh, phù hợp với tập quán dân tộc, không ai trong chúng ta được phép lơ là ý thức cá nhân để bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng. Có đề cao tinh thần đoàn kết, muôn người như một kề vai sát cánh bên nhau chúng ta mới chiến thắng được dịch bệnh./.

 

Đăng nhận xét

 
Top