Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương các khóa trước về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy về quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ Tổ quốc bằng việc “đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”.


Điều đặc biệt mới mẻ trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này, trong mục tăng cường QPAN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định: Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược QPAN chuyên ngành khác.

Đưa nội dung trên vào trong dự thảo Báo cáo Chính trị thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc cụ thể hóa đường lối cách mạng của Đảng, trong việc xác định mưu lược (kế sách) và nghệ thuật tổ chức thực hiện đường lối, nhằm đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống trong một giai đoạn cụ thể, trước một tình hình cụ thể. Thể hiện rõ tư duy của Đảng ta trong việc xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ lúc nước chưa nguy; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển bền vững đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc ban hành và triển khai thực hiện các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc không chỉ hoàn toàn xuất phát từ cơ sở lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc, từ truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh giữ nước là phải “đề phòng việc không ngờ”, có “kế lâu dài”, phải “trù phương lược trước”, phải “giữ nước từ lúc chưa nguy”, “lo trị nước từ lúc nước chưa loạn”..., mà còn xuất phát từ thực tiễn phong phú, sinh động của công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN trên thế giới nói chung, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói riêng trong những thập kỷ vừa qua. Ban hành và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc thể hiện tư duy chiến lược toàn diện của Đảng ta, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống cả những mối đe dọa an ninh truyền thống và cả những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các nguy cơ mà Nghị quyết Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã dự báo. Ban hành và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cho thấy tư duy chiến lược của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được thể hiện không chỉ về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, nội dung, biện pháp, lực lượng, điều kiện bảo đảm để thực hiện các chiến lược, mà còn thể hiện một quan điểm an ninh toàn diện, tổng hợp của đất nước, nhất là an ninh trên các hướng biên giới đất liền, biển, đảo và trên không gian mạng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược QPAN chuyên ngành khác như dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu, cần quan tâm làm tốt một số nội dung, biện pháp sau đây:

Tổ chức triển khai quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm tạo nên nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về những nội dung cơ bản trong các chiến lược nêu trên. Muốn vậy, cần tổ chức biên soạn thành các chuyên đề riêng để quán triệt cho các đối tượng phù hợp với quy định về phổ biến nội dung trong các chiến lược và phù hợp với khả năng nhận thức của các đối tượng cụ thể: Cán bộ, đảng viên, nhân dân, sinh viên, học sinh...

Nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược phù hợp với từng nội dung trong từng chiến lược và phù hợp với các đối tượng (tổ chức và cá nhân) trực tiếp liên quan đến việc triển khai tổ chức thực hiện các chiến lược cụ thể. Ví dụ: Quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược quân sự thì quân đội phải là lực lượng nòng cốt, chủ yếu.

Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đã được xây dựng, phải tổ chức triển khai thực hiện trên thực tiễn việc thực hiện các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Xác định nội dung, biện pháp phù hợp với mỗi loại chiến lược để triển khai thực hiện các chiến lược sát, đúng. Chăm lo xây dựng lực lượng, nhất là lực lượng chuyên trách phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nội dung, phạm vi, tính chất của mỗi loại chiến lược để triển khai thực hiện có hiệu quả. Quan tâm phối hợp, kết hợp giữa các tổ chức, các lực lượng để thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng các chiến lược. Quan tâm chăm lo xây dựng, chủ động chuẩn bị các điều kiện về vật chất và tinh thần để triển khai thực hiện các chiến lược đáp ứng yêu cầu của mỗi loại chiến lược. Xây dựng các kịch bản, triển khai diễn tập một số tình huống cụ thể theo yêu cầu, nội dung của từng chiến lược, trên cơ sở đó tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung của các chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tiễn luôn có sự vận động, biến đổi.

QĐND

 

Đăng nhận xét

 
Top