Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. Không nắm rõ, hiểu rõ về kẻ thù, “Không phân biệt rõ bạn và thù” là một “sai lầm nghiêm trọng”. Bởi vậy, nhận diện “bạn” - “thù” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, và trên mạng xã hội nói riêng có ý nghĩa to lớn.
Trong hoạt động đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ở Việt Nam hiện
nay, việc nhận diện rõ đối tượng cần đấu tranh, phân biệt rõ đâu là bạn - đâu
là thù, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn nội dung, hình thức chống phá, từ đó tìm ra
các biện pháp đấu tranh một cách phù hợp là một vấn đề vô cùng quan trọng. Bài
viết chỉ cách thức nhận diện đối tượng thông qua một số hình thức chống phá
trên mạng xã hội, từ đó gợi mở giải pháp phòng chống, góp phần vào thực hiện
hiệu quả công tác này.
Ngày nay, với sự phát
triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông thì internet, mạng xã hội
ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Một số mạng xã hội đang
được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là: facebook, youtube, instagram,
website, blog, zalo,…Mạng xã hội không còn là phương tiện giải trí đơn thuần mà
đã và đang trở thành môi trường, công cụ để làm việc, học tập, tạo nguồn thu
nhập của không ít người. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là nơi, là công cụ để
các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, phá
hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, làm thế nào để phân biệt rõ đâu là âm
mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch (thù) và đâu là ý kiến quần chúng
nhân dân, tình cảm yêu nước (bạn), để tìm ra những cách thức, biện pháp đấu
tranh phù hợp và hiệu quả trong “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là vấn đề quan
trọng.
Có thể hiểu, nhận diện
“bạn” - “thù” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng
xã hội ở nước ta hiện nay là việc nhận thức rõ, hiểu rõ về đặc điểm, bản chất,
nhu cầu, nguyện vọng, tư tưởng, hành động, mục tiêu, phương thức hoạt động của
“bạn” và “thù” trên mạng xã hội. Đồng thời, nắm rõ sự đan xen, đấu tranh, thống
nhất và chuyển hóa trong mối quan hệ giữa “bạn” - “thù” nhằm đấu tranh bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ
Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN. Hiện nay, trong cuộc đấu tranh
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội, với một “thế giới ảo”, với
sự “giả mạo”, “ẩn danh”, “thật giả lẫn lộn”, thì việc phân biệt rõ “bạn” -
“thù” không phải là vấn đề đơn giản.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng chỉ rõ: 1. “Bạn” được hiểu là: “Đối với người, ai làm gì lợi ích
cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn”, và “Đối với mình, những tư tưởng và
hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn”; 2. “Thù” được hiểu là:
đối với người, thì “bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức
là kẻ thù”, và đối với mình, thì “những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ
quốc và đồng bào là kẻ thù”.
Như vậy, “chẳng những
ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù”. Nghĩa là, trong cuộc đấu
tranh này sẽ có những người thực sự là “bạn”, có những kẻ chắc chắn là “thù”,
nhưng cũng sẽ có những người chưa phải “thù” nhưng cũng không hẳn là “bạn”, hay
có những người không còn là “bạn” nhưng chưa chắc đã là “thù”. Và, trong chính
bản thân mỗi người cũng “có thể” hoặc “có lúc nào đó” hoang mang, dao động, có
nhận thức và hành động chưa đúng đắn. Tức là có “thù” trong tư tưởng và hành
động. Vì vậy, cần thiết phải nhận diện, phân định rõ “bạn” - “thù”, đồng thời,
“phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở
ngoài và ở trong mình ta” là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Trong cuộc đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay, nhận
diện “bạn” - “thù” cần tập trung ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đối với những
kẻ được coi là “thù” - còn gọi là các thế lực thù địch, phản động.
Các thế lực thù địch,
phản động là những đối tượng có sự đối lập về hệ tư tưởng và thù địch về chính
trị, có tư tưởng thù hận, cái nhìn cực đoan, phiến diện về đất nước và chế độ
chính trị của chúng ta. Các thế lực thù địch bao gồm cả những người có ý thức
hệ đối lập với chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở các nước tư bản.
Đặc biệt, phần đa
trong lực lượng thù địch, phản động hiện nay là những người gốc Việt sống lưu
vong ở nước ngoài; và một bộ phận sinh sống trong nước thì cũng ẩn náu và hoạt
động một cách “bí mật”, núp bóng dưới danh nghĩa trí thức (luật sư, bác sĩ,
nghệ sĩ…) hay doanh nhân. Một số khác là những người từng là cán bộ, trí thức
có trình độ, có chức vụ trong bộ máy Đảng, Nhà nước nhưng do nhận thức sai
lệch, trở nên “bất mãn chế độ”, hoặc bị mua chuộc, lôi kéo, bị xuống cấp về đạo
đức, thoái hóa, biến chất dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị “tha hóa”
về ý thức chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và trở thành những
kẻ “phản bội” lại Đảng, đất nước và nhân dân... Với nhóm đối tượng này, việc
nhận diện chúng trên mạng xã hội không khó, nhưng để đấu tranh, xử lý thì không
dễ và khó triệt để.
Cùng với sự phát triển
của công nghệ thông tin, của truyền thông và mạng xã hội, các thủ đoạn của thế
lực thù địch cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và khó nhận dạng. Chúng lợi dụng
ưu thế của truyền thông và mạng xã hội để thành lập những nhóm, hộiphản động
công khai để đăng bài, đưa tin sai sự thật, kích động, chia rẽ; lập những trang
website, fanpage, blogmạo danh các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạo danh các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người nổi tiếng,… để đăng tin sai sự thật, xấu -
độc, hoặc lồng ghép những tin sai sự thật vào những thông tin chính thức để
đánh lừa dư luận; đồng thời, chúng cũng lập nhiều trang cá nhân chỉ sử dụng để
bình luận, chia sẻ những thông tin xấu - độc, kích động chia rẽ, bôi nhọ, xuyên
tạc…để chống phá Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, hướng
tới mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam, làm phương hại đến lợi ích của dân tộc và nhân dân ta.
Đặc biệt, trong những
dịp có sự kiện quan trọng của đất nước, các thế lực thù địch càng ráo riết tăng
cường các thủ đoạn đấu tranh chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Gần đây, là
cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta, các sự kiện liên quan đến kỳ họp bất
thường của Quốc hội, các vấn đề luật đất đai sửa đổi để bôi nhọ hạ uy tín của
Đảng, Nhà nước, chế độ cũng như lãnh đạo các cấp.
Theo Bộ Công an, từ
ngày 15-1 đến 21-3-2023, “lực lượng an ninh nội địa đã phá rã 3 nhóm phản động,
truy tìm, triệu tập và vô hiệu hóa nhiều đối tượng, thu giữ hàng trăm đầu tài
liệu phản động. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
đấu tranh vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video
clip có nội dung xuyên tạc”…
Tính chung, “lực lượng
an ninh mạng đã tấn công, vô hiệu hóa 1.191 mục tiêu trên không gian mạng,
thường trực giám sát 300 trang mạng, 100 hội nhóm lớn, 65 kênh youtube có hoạt
động chống phá, ngăn chặn 3.666 trang mạng có nội dung xấu, độc có máy chủ ở
nước ngoài”.
Để đấu tranh với nhóm
đối tượng này, chúng ta phải có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, dứt khoát, “kiên
quyết chống lại kẻ thù ở ngoài”. Siết chặt quản lý hoạt động của các mạng xã
hội theo pháp luật Việt Nam; phổ biến rộng rãi Luật An ninh mạng trên các
phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện
pháp luật phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của internet và mạng xã hội… Đặc
biệt, cần tăng cường hơn nữa đội ngũ an ninh mạng, nhất là đối phó với tội phạm
công nghệ cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bóc gỡ, đấu tranh với các thủ
đoạn chống phá, các thông tin xấu - độc… làm “trong sạch” không gian mạng, nhất
là mạng xã hội.
Hai là, đối với “bạn”
- những người tích cực đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Có thể nói, từ sau khi
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới được ban hành, công tác “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”
trên mạng xã hội đã được triển khai sâu rộng với những cách thức, bước đi cụ
thể và rõ nét hơn. Lực lượng này không chỉ là những người thuộc lực lượng vũ
trang, lực lượng an ninh mạng, những người có chức trách mà chính là toàn thể
người dân Việt Nam yêu nước... Để đấu tranh với những thủ đoạn xảo quyệt của
các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội, rất nhiều nhóm, hội, tài
khoản, trang mạngcủa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ được lập ra để đưa
những thông tin chính thức, được kiểm chứng, đáng tin cậy; nhiều nhóm, hội,
fanpageyêu nước, chống phản động cũng ra đời; hàng triệu các tài khoản cá nhân
đã tham gia bình luận, chia sẻ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
xuyên tạc, thù địch, bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng…
Đặc biệt, với quan điểm
đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới trên mạng xã
hội hiện nay kết hợp giữa xây và chống, không phải chỉ đấu tranh chống lại các
luận điệu sai trái, thù địch, mà tăng cường tuyên truyền, quảng bá đường lối
chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu đã đạt được, mà lực lượng
“bạn” này đã góp phần làm cho mọi người dân Việt Nam cũng như thế giới thấy
được những thành quả đạt được của đất nước trong công cuộc đổi mới, thấy được
vị thế của Việt Nam hôm nay so với thế giới; thấy được tính nhân văn, ưu việt
của chế độ; góp phần lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc…
Chính nhờ đó, lòng yêu
nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khát vọng phát triển đất nước,
niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước và chế độ của người dân Việt Nam được khơi dậy
mạnh mẽ, nhất là ở các thời điểm đất nước gặp khó khăn như các đợt bão lụt và
đại dịch Covid-19.
Để tiếp tục lan tỏa
sâu rộng, phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, lực lượng “bạn” này cần liên
tục được tăng cường thông tin, tuyên truyền của mình cho phù hợp với đối tượng.
Bên cạnh những bài viết về các vấn đề thời sự “nóng bỏng”, đấu tranh, bảo vệ…
mang tính phản biện, phân tích sâu sắc, thấu đáo, cần tăng cường những bài viết
tuyên truyền một cách ngắn gọn, súc tích; những bài viết, thông tin tích cực;
những thông điệp ngắn gọn, hình ảnh sinh động… để thu hút sự chú ý của công
chúng, “cư dân mạng”.
Tuy nhiên, trong lực
lượng “bạn” này, vẫn còn có người, có lúc, có chỗ có những cách thức, nhận thức
và ứng xử trên mạng xã hội chưa thật sự phù hợp, đúng đắn và cẩn trọng. Một
trang mạng uy tín, chính thức chỉ cần một lần đăng tải vội một thông tin chưa
được kiểm chứng cũng sẽ làm suy giảm lòng tin của “cư dân mạng”, làm lan tỏa
thông tin chưa chính xác ra cộng đồng. Một vài trang fanpage, blog nhóm, hội
yêu nước, chống phản động có uy tín, có hàng nghìn người theo dõi, ủng hộ chỉ
cần đăng tải một vài thông tin thiếu căn cứ, phiến diện, quan điểm cá nhân chưa
đúng đắn thì sẽ làm cho người theo dõi nghi ngờ và đặt dấu hỏi về độ chân thực
hay giả mạo của trang đó, thậm chí còn bị tẩy chay.
Bên cạnh đó, cũng có
người thể hiện thái độ và hành động yêu nước, chống phản động một cách cực
đoan, thái quá lại gây tác dụng ngược, trở thành quân bài cho thế lực phản động
“lợi dụng” để chống phá. Không ít trường hợp do nhận thức chưa đúng đã vô tình
chia sẻ, làm lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí làm lan
truyền tin giả, xấu - độc…
Ba là, đối với những
người không phải “thù” nhưng cũng không hẳn là “bạn”
Những người thuộc nhóm
này cũng chiếm tỷ lệ không ít trong cư dân mạng xã hội. Đây là những người tham
gia mạng xã hội có lập trường không rõ ràng, chưa có nhận thức đúng đắn và niềm
tin vào Đảng, vào chế độ XHCN, dễ hoang mang, dao động. Do đó, khi được tiếp
cận với các thông tin trái chiều trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin
tiêu cực, xấu - độc, tin giả họ rất dễ bị tin theo và vô tình trở thành lực
lượng tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.
Một bộ phận khác, là
những người ít quan tâm đến thời cuộc, có thái độ thờ ơ với tình hình chính
trị, kinh tế và các sự kiện của đất nước, chỉ quan tâm lợi ích của bản thân.
Khi bắt gặp những thông tin có tính “giật gân”, “hot” chưa được kiểm chứng
những người này chia sẻ, bình luận để “câu like”, “tăng view”, tăng tương tác
trên các trang, nhóm của mình vì mục đích bán hàng online hoặc quảng cáo sản
phẩm…
Một số người là công
dân tốt, thậm chí là người có chức vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng sau
khi gặp “sự cố”, hay bất bình vì một sự việc nào đó bị tiêm nhiễm tư tưởng sai
trái lại trở nên bất mãn, “hằn học”, tiêu cực. Những người này đăng tải những
bài viết, những bình luận phiến diện để đả kích, bày tỏ thái độ phản đối trước
các vấn đề xã hội bức xúc qua con mắt cực đoan, phiến diện và quan điểm cá
nhân. Cho nên, các ý kiến thường chưa mang tính khách quan, chưa phản ánh đúng
đắn, đầy đủ bản chất của vấn đề, vô hình chung lại trở thành “quân bài” mà các
thế lực phản động lợi dụng, lan truyền để chống phá chế độ, và nền tảng tư
tưởng của Đảng. Bởi vậy, với nhóm đối tượng này, phải linh hoạt, mềm dẻo, để
đánh giá, xử lý các sai phạm của họ. Phải giúp cho họ hiểu, nhận thức đúng đắn
vấn đề, định hướng cho họ con đường đúng đắn. Tránh việc “quy chụp”, mặc định
coi những người phê phán tiêu cực của xã hội là những người “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” hay “phản động”. Điều này rất quan trọng, bởi phải luôn thực hiện
phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở
ngoài”( - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Có thể nói, việc nhận
diện rõ đâu là “bạn”, đâu là “thù” là một nhiệm vụ rất quan trọng trong đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định,
“Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải
thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. Không nắm rõ, hiểu rõ về kẻ thù, “Không
phân biệt rõ bạn và thù” là một “sai lầm nghiêm trọng”. Bởi vậy, nhận diện
“bạn” - “thù” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, và
trên mạng xã hội nói riêng có ý nghĩa to lớn:
- Nắm rõ, hiểu rõ về
“thù” để có những biện pháp phù hợp để đấu tranh, chiến thắng, hoặc thuyết phục
họ thành những người “bạn” của ta;
- Hiểu rõ về “bạn”
chính là để phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu của chính mình, để tránh
cái “thù” nó len lỏi trong mỗi người, là để chiến thắng chính bản thân mình,
nâng cao ý thức tự rèn luyện, tự học hỏi, tự phê bình ở mỗi con người;
- Hiểu rõ “bạn” -
“thù” là để xử lý “đúng người”, “đúng tội”, đấu tranh đúng đối tượng, tránh “áp
đặt”, “quy chụp”, cực đoan làm đánh mất “bạn”;
- Hiểu rõ “bạn” -
“thù” là để “thêm bạn, bớt thù”, vận động, thuyết phục, lôi cuốn những người từ
“chưa tin”, “chưa yêu” trở thành những người yêu nước, có niềm tin vào chính
quyền, vào Đảng, vào chế độ…
Như vậy, trong một
“thế giới ảo” trên mạng xã hội với đầy rẫy sự “giả mạo”, “ẩn danh”, “thật - giả
lẫn lộn”, đôi khi rất khó để phân định rạch ròi “bạn” và “thù”. Do đó, mỗi người,
mỗi tổ chức trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian
mạng đều cần phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, đề cao tinh thần cảnh giác trước
mọi luận điệu và mọi hình thức xuyên tạc, chống phá khó lường của các thế lực
thù địch; luôn đề cao lợi ích của nhân dân, của Đảng và Tổ quốc lên trên hết;
thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong bảo vệ Đảng, Tổ quốc và
nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công
nghệ thông tin, am hiểu luật pháp, nhất là Luật An ninh mạng… nhằm đấu tranh có
hiệu quả với những luận điệu, âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế
lực thù địch trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần tránh việc đưa quan điểm và cảm
xúc cá nhân vào xử lý, giải quyết những công việc chung; tránh sự “tùy tiện”,
“quy chụp”, “gặp đâu nói đó”… Có như vậy, mới có thể nhận diện rõ “bạn” - “thù”
và cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng mới
đạt kết quả./.
Đăng nhận xét