Thời gian qua cơ quan chức năng công bố kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng được dư luận rất chú ý, quan tâm, đánh giá cao. Những kết quả ấy đã chứng minh cho quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm” không có “ngoại lệ” là đúng, có cơ sở được dân tin, đồng tình ủng hộ.

          Tại kỳ họp thứ 42 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận: Vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, của Ban cán sự Đảng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và các đồng chí:
          - Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy;
          - Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Bán Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Bán Cán sự Đảng, Ủy ban Nhân dân Thành phố;
          - Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Bán Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố… cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Bán Cán sự Đảng, Ủy ban Nhân dân Thành phố và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
          Việc làm trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
          Có thể nói, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương bước đầu đã tìm được lời giải và mở đường cho việc hóa giải những oan ức, cùng cực của hàng nghìn người dân Thủ Thiêm trong suốt hơn 20 năm qua.
          Đồng thời Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam và một số cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
          Theo đó, khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Mai Văn Tinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam; Trần Văn Khâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Trọng Mừng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc; Ngô Sỹ Hán, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
          Cảnh cáo đối với các đồng chí Văn Trọng Lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Văn Tài, nguyên Hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ.
          Khiển trách đối với các đồng chí Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam…
          Theo Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 10/01, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ.
          Và quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, do liên quan gian lận thi cử.
          Để minh họa thêm quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta là không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “hạ cánh an toàn” tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ngày 10/01/2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã khẳng định:
          Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được nhân dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ.
          Qua 4 năm (2016 – 2019) thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức, 16.214 cấp ủy viên các cấp và 24.727 đảng viên, gần bằng cả nhiệm kỳ của khóa XI (khóa XI, ủy ban kiểm tra đã kiểm tra 16 nghìn tổ chức đảng, 55 nghìn đảng viên và cấp ủy viên có dấu hiệu vi phạm).

          Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 22 đồng chí...).

          Nhìn vào kết quả trên có thể nói các kết luận, quyết định của Trung ương về các sai phạm nêu trên của các tập thể và cá nhân hợp lòng dân và rất kịp thời, được nhân dân, tin tưởng, đồng tình ủng hộ.
          Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, từng bước được nhận diện, chỉ tên qua các sai phạm cụ thể.
          Đấu tranh, đẩy lùi tư tưởng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng “làm chậm sự phát triển”
          Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí, chúng ta đã đưa ra được câu trả lời từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện?
          Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên?
          Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn hình thức, thiếu dân chủ? Tính chiến đấu của người cộng sản, người đảng viên không được phát huy? Đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm trong thời gian tới.
          “Quá trình xem xét, xử lý các vụ việc, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”.
          Cho đến hôm nay, cơ bản các vụ việc đã xử lý kỷ luật, thì khiếu nại về mức kỷ luật chiếm tỷ lệ rất thấp” - đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
          Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên cao, trở thành “phong trào” không ai đứng ngoài cuộc, việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, tham nhũng có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh giúp mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đó để tu dưỡng, rèn luyện.
          Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhận được sự cổ vũ, động viên, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
          Điểm nổi bật trong thời gian qua chính là, đã kịp thời công khai kết quả kiểm tra, kết luận các phiên họp của uỷ ban kiểm tra, nhất là các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Qua đó, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, giúp cho công xây dựng Đảng nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả hơn.

          Các quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Chính trị đã làm lành mạnh môi trường xã hội, tạo điều kiện tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội như năm 2019.
          Đồng thời đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
          Qua kiểm tra, giám sát, đã phát hiện những vấn đề còn bất cập, sơ hở trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.
          Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, cho thấy thực sự dân đã tin không có “vùng cấm” và không có “ngoại lệ” không thể “hạ cách an toàn” như lời Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
          Ngày 15/01/2020, tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng Trưởng Ban Chỉ đạo đã lưu ý, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
          Do vậy, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được; công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
          “Chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.




Đăng nhận xét

 
Top