Chia sẻ về hiệu quả ban đầu của việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 có hiệu lực, hiệu quả, hiệu lực trong thực tế cuộc sống không chỉ thấy qua việc ra quân đồng bộ, rộng khắp của lực lượng chức năng trên cả nước thời gian qua mà quan trọng hơn là sự chuyển biến về ý thức, nhận thức của người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông. Cũng theo ông Hùng, có thể nói, ít thấy một chính sách nào lại đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy.

“Việc thực hiện nghiêm Nghị định 100 làm cho tai nạn giao thông giảm rất sâu. Đây là văn bản rất hiếm từ xưa đến nay nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Trong dịp cao điểm như thế này khi Tết Dương lịch, Tết nguyên đán rất gần nhau nên lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương cần duy trì nghiêm các chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh trật tự đặc biệt tăng xử lý vi phạm nhất là trong những ngày Tết và duy trì trong suốt dịp cao điểm và trong năm 2020 để tạo một chuyển biến mạnh về văn hóa giao thông, đặc biệt là văn hóa sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2020”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước những chuyển biến tích cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động. Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Canh Tý và các lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong năm 2020. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Nghị định 100 bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông là "đã uống rượu là không lái xe". Thế nhưng, để chính sách này phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" của lực lượng thực thi công vụ. Nếu lực lượng chức năng chỉ ra quân rầm rộ rồi sau đó lại buông lỏng, thậm chí tiêu cực thì chính sách dù đúng đắn và được người dân đồng tình ủng hộ thì khó đi vào thực tiễn cuộc sống.
Lực lượng CSGT tiếp tục duy trì xử lý các trường hợp vi phạm khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Ngày 23/1, lãnh đạo Cục CSGT yêu cầu các đơn vị ở địa phương huy động tối đa phương tiện, lực lượng phối hợp với cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự... liên tục kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. "Không được để việc này bị chùng xuống và không được bỏ qua vi phạm trong dịp Tết", lãnh đạo Cục CSGT nêu rõ.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục CSGT cũng chỉ đạo, quá trình xử lý tất cả các vụ tai nạn giao thông, lực lượng chức năng phải kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế
Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 01/01 đến ngày 20/1, hơn 11.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trên toàn quốc, phạt tiền 40,5 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh 769 trường hợp, TP HCM 583 trường hợp, Thanh Hóa 538. 9 địa phương (Bến Tre, Bình Đinh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc) đã xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn.


Đăng nhận xét

 
Top