Người Việt ra nước ngoài, mục đích là để phát triển, để tìm đến nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn và đó là quyền lựa chọn riêng tư của mỗi người.

Sống ở Mỹ và châu Âu gần hai chục năm, tôi thường gặp người Việt trong 4 dạng di cư:
- Dạng thứ nhất là những người “thuyền nhân” tị nạn chính trị 40 năm trước.
- Dạng thứ hai là Việt kiều máy bay di cư theo gia đình (cha mẹ, anh chị em sống ở nước ngoài rồi bảo lãnh con cái, anh chị em theo; du học sinh lấy chồng/vợ người nước ngoài ở lại quê chồng/vợ).
- Dạng thứ ba sau này phát triển nhiều là người có điều kiện, có công việc tốt ở Việt Nam nhưng vẫn quyết định ra nước ngoài sống vì giáo dục và tương lai của con cái.
- Dạng cuối là dạng tìm mọi cách nhập cư lậu vào Mỹ/châu Âu và ở lại vì lý do kinh tế. 

          Có Việt kiều thế hệ đầu tiên chủ doanh nghiệp thành công vượt trội, nhưng cũng có Việt kiều bết bát, te tua. Thế hệ thứ hai cũng có người thành công nhưng không ít người sinh ra lớn lên ở Mỹ mà học hành chẳng nên cơm cháo gì, sống đời bình thường, nghèo khổ, vất vả. Có người được bảo lãnh hưởng trợ cấp thời gian đầu rồi quyết tâm làm ăn.
          Có người cả đời cứ nằng nặc ăn bám xã hội, từ chối tăng lương thêm vài đồng vì sợ thoát mức “cực nghèo” lại phải đóng thuế mức của dân trung lưu và bị mất các khoản phúc lợi xã hội.
          Có người lấy Việt kiều được cưng chiều chăm bẵm. Có người được Việt kiều về quê cưới hỏi đàng hoàng sang đến nơi lại bị bạo hành đến mức phải gọi luật sư miễn phí giúp đỡ khẩn thiết.
          Có người du lịch tìm cách trốn lại làm bồi bàn trong các hàng quán Việt Nam, chạy xe sang chảnh nhưng khi cơ quan thanh tra bất ngờ ập vào thì phải trốn chui trốn nhủi.
          Có người công thành danh toại, có người khủng hoảng đói nghèo, bệnh tật, tủi nhục...
          Như đã nói ở trên, tất cả đều là những lựa chọn rất cá nhân và chúng ta không có quyền phán xét. Chỉ có điều, trước khi lựa chọn, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ để không bị bỡ ngỡ, vỡ mộng hay tệ hơn là trả giá cho quyết định ra đi của mình.

          Thực sự là, ở các nước phát triển, khi mà mọi thứ đã vào quy củ, luật pháp đã minh bạch, không còn trong giai đoạn đang phát triển như ở Việt Nam, cơ hội để bạn làm giàu nhanh là cực khó, trừ khi bạn trồng cỏ, buôn lậu, trốn thuế và tham gia làm các việc bất hợp pháp khác. Bạn chỉ có thể có một cuộc sống đầy đủ, an nhiên tự tại, không phải lo lắng nếu bạn làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài. Chứ nghe người “dụ dỗ” đi nước ngoài làm một, hai năm về khoe là có nhà cao cửa rộng xe xịn tiền xài như nước thì một là nổ, hai là lừa, ba là phạm pháp. Mà đã là phạm pháp thì rủi ro cao. Làm chui, không có giấy tờ chẳng hạn, sẽ không được pháp luật bảo vệ đã đành, bệnh tật, ốm đau cũng không có bảo hiểm y tế để chữa trị, sau này lại phải chịu rất nhiều hệ luỵ vất vả. 
          Những Việt kiều về nước, cũng đừng tô hồng cuộc sống ở nước ngoài mà gây ngộ nhận cho người ở nhà. Sống ở nơi ngôn ngữ khác, văn hóa khác, mình lại là người đến sau, thì người bản xứ họ cố gắng 1 mình phải cố gắng 10 mới trụ được trên đất họ. Bạn đang sống ở nơi mà ở trong nhà có osin, bước ra khỏi nhà là gặp người Việt, thèm đồ ăn là gọi Grab ship đồ đến tận nơi, bạn có sẵn sàng đến một nơi hoàn toàn xa lạ, cái gì cũng phải tự làm, và có sẵn sàng học các luật lệ của xứ họ để sống đúng luật, làm ăn cạnh tranh lành mạnh với người bản xứ?
          Tôi đã từng nghe nhiều lời tâm sự đại loại như “sống bên này khoẻ lắm, em đi làm nhận tiền mặt phân nửa, check (ngân phiếu) phân nửa để trên giấy tờ thu nhập thấp, được hưởng các quyền lợi miễn phí của chính phủ. Em chạy xe xịn, nhà to cửa rộng nhưng trong mắt Mỹ em là người nghèo, vậy mới là khôn. À, chỗ kia trả em thêm tiền check mà em không dám nhận vì em nhận sẽ mất hết bảo hiểm cho gia đình, con cái. Con em đi học sẽ không được xe bus thức ăn miễn phí, em sẽ không được khám bệnh miễn phí. Chị thấy em hay không?”
          Thực tình, nói hay thì tôi không thể, mà nói không thì bị mất lòng. Bạn mà như tôi, sẽ phải nói với họ thế nào đây? Đời người di cư không phải lúc nào cũng vinh quang, bạn ạ.
TH.


Đăng nhận xét

 
Top