Tôn sư trọng đạo là truyền thống, nét đẹp của dân tộc ta, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo. Ngày nay quan tâm đến người thầy là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mỗi người chúng ta.


Muốn đỗ đạt, thành tài nhất thiết phải dạy thật, học thật, bởi lẽ thi cử để đỗ đạt thời xưa là mơ ước của hàng ngàn, hàng vạn sỹ tử. Thi đỗ Tú tài đã khó, để đỗ Cử nhân lại càng vô vàn khó. Đã có bao sỹ tử trải qua bao lần thi mà chỉ đạt tới cấp độ Tú tài! Văn chương, thơ phú như cụ Tú Xương mà lều chõng bao nhiêu lần thi chỉ đỗ đến Tú tài…Làm gì có chuyện gian lận, nâng điểm. Còn việc ưu ái, khuyến khích thí sinh thời nào cũng có, nhưng chắc chắn một điều không có là chuyện lấy ảnh hưởng quyền lực ra để tác động đến việc nâng điểm thi, có chăng chỉ có chuyện copy bài thi; thầy chấm có vấn đề về trình độ mà thôi…

 Để đạt được điều đó ngoài việc cố gắng của các sỹ tử, cần có đức độ và chuyên cần của các thầy, cô giáo. Là thầy, cô tốt, ngoài những phẩm chất của người công dân tốt, thầy, cô phải làm gương cho học trò noi theo, có khả năng truyền đạt kiến thức, công bằng không thiên vị và thấu hiểu học trò. Về đạo đức và tri thức, thầy phải có hành động, lời nói và cách sống tốt để học trò noi theo. Học trò xem thầy, cô như tấm gương để sống. Để xứng đáng với nghề mình, để khỏi lạc hậu, bị bỏ đằng sau, thầy cô giáo phải không ngừng tìm tòi, học tập, nghiên cứu, khảo sát nâng cao trình độ; phải là người học trò suốt đời, tiền đồ nước nhà và danh giá nghề mình đòi hỏi như vậy.
Cách mạng Tháng 8 thành công, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, giặc đói giặc rốt, giặc ngoại xâm. Mặc dù trăm công, ngàn việc bộn bề, song Bác Hồ luôn đề cao và quan tâm đến công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu”. Ngoài việc quan tâm đến việc học tập của các cháu, sinh thời Người luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn đề cao và quan tâm tới giáo dục, cái gốc của trí tuệ và đạo đức đều từ giáo dục mà ra, đạo lý của người Việt Nam ta có lẽ không ai không nhớ câu châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… để tỏ sự trân trọng, lòng thành kính của xã hội dành cho nhà giáo. Truyền thống này ngày càng được trân trọng và tôn vinh qua việc  coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; các chính sách, chế độ luôn được đề cao, quan tâm chăm lo người thầy trong sự nghiệp trồng người.
Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức hằng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học.
ST.


Đăng nhận xét

 
Top