Từ những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khái niệm cách mạng màu xuất hiện và bắt đầu được nhắc tới nhiều. Nhiều quốc gia ở Đông Âu thuộc Liên Xô (cũ) hay ở các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.

Có thể hiểu Cách mạng màu là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương pháp bất bạo động giữa những kẻ ủ mưu bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài. Những kẻ chủ mưu giương ngọn cờ dân chủ, lôi kéo người dân tham gia vào các cuộc biểu tình tuần hành khiến đời sống xã hội bị tê liệt, Chính phủ dần mất kiểm soát xã hội. Khi những cuộc biểu tình tác động xấu đến đời sống xã hội và sự điều hành của Chính phủ ở mức độ nào đó, sẽ xuất hiện các thế lực bên ngoài thông qua các tổ chức phi chính phủ, thậm chí Chính phủ của một quốc gia khác lên tiếng ủng hộ. Từ đây, xung đột giữa người dân và chính quyền ngày càng đẩy lên và rồi hậu quả của nó là rất nặng nề.
Ví dụ như tại Ukraine tháng 10/2019, hơn 30 nghìn người đã xuống đường biểu tình ở trung tâm thủ đổ Kiev để phản đối Tổng thống Volodymyr Zelensky với kế hoạch trao cơ chế đặc biệt cho vùng Donbas trong bối cảnh Nga và Ukraine chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Trong những năm qua, Ukraine đã không ít lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì bạo loạn đường phố được gọi là Maidan.
Cảnh giác với thế lực thù địch muốn xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam
Từ thực tế từ các cuộc Cách mạng màu ở một số quốc gia Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua, câu hỏi đặt ra là: Việt Nam chúng ta có phải đối diện với nguy cơ xảy ra Cách mạng màu hay không? Theo các chuyên gia phân tích, Cách mạng màu là một trong những thủ đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện. Một trong những mục tiêu của âm mưu này là lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, Việt Nam là một trong những mục tiêu mà chúng sẽ tấn công. Các vụ việc trong nhiều năm qua cho thấy rằng các thế lực thù địch luôn không ngừng sử dụng chiến lược diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Những biểu hiện của cái gọi là Cách mạng màu vì thế cũng đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Đó chính là các cuộc tụ tập đông người dưới nhiều lý do, trong đó có cả những cuộc tụ tập đập phá gây bất ổn xã hội.
Năm 2019, tổ chức khủng bố có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý và cấp phát nhà miễn phí. Chúng hứa hẹn sẽ hỗ trợ tài chính, cấp đất, cấp nhà cho người nghèo. Đổi lại những người ai đăng ký nhận hỗ trợ sẽ phải tham gia chiến dịch trưng cầu dân ý, thể hiện quan điểm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ảo tưởng về miếng bánh vẽ không có thật, hàng trăm nạn nhân đã dính bẫy và cứ chờ đợi trong hy vọng. Nhà thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy một ngày bất ngờ nhận giấy triệu tập của công an.
Ngoài ra còn những vụ việc lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường năm 2016, lấy cớ đấu tranh bảo vệ chủ quyền năm 2014 lôi kéo những người thiếu tỉnh táo tụ tập đông người, thậm chí đốt phá nhà máy, cơ sở sản xuất…
Năm 2018, những thế lực thù địch lợi dụng cớ phản đối luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để lôi kéo, kích động người dân tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Chúng còn trả mỗi người vài trăm nghìn đồng để tham gia hưởng ứng, nếu đả thương công an, số tiền còn lớn hơn nữa.
Thế lực thù địch lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền để kích động người dân tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền
Không có liều thuốc nào hữu hiệu bằng việc tự đề kháng và ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Loại bỏ tham nhũng tiêu cực, xử lý các cá nhân cán bộ biến chất, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa là điều chúng ta bắt buộc phải làm.
Làm tốt việc này, không những đất nước phát triển giàu mạnh mà niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, chính quyền sẽ tăng lên. Khi nhân dân có niềm tin, họ sẽ không dễ bị lôi kéo, kích động. Bài học ở nhiều quốc gia trên thế giới cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, nếu những mâu thuẫn xã hội được khoét sâu và không cách nào được giải quyết, việc thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng là điều dễ hiểu.
Những kẻ có ý đồ gây bất ổn rất giỏi nắm bắt tâm lý. Chúng sẽ len lỏi những kẽ hở, những hố sâu mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền để hoạt động. Phải cảnh giác với chúng và cũng cần phải chấn chỉnh lại chính mình.


Đăng nhận xét

 
Top