Thời
gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, những hành vi xâm phạm
quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác đang
có xu hướng gia tăng.
Điều
này không chỉ gây phiền hà, rắc rối, bức xúc và thiệt hại cho người bị lộ thông
tin cá nhân mà còn gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Trên
thực tế, việc bị rò rỉ, lộ thông tin cá nhân do vô ý hay cố ý đều gây hậu quả
không tốt. Chúng ta đã chứng kiến những nhân vật nổi tiếng, những văn nghệ sĩ
trong và ngoài nước lộ hình ảnh nhạy cảm, lộ chuyện đời tư, dẫn đến việc bị đưa
lên bình luận, đàm tiếu, hứng chịu những lời không hay trên mạng xã hội. Những
người bản lĩnh thì chịu đựng được áp lực của dư luận và giải quyết tốt vấn đề,
nhưng cũng có người rơi vào tình trạng trầm cảm, thất nghiệp, có khi phải tự
tử. Gần đây, một số học sinh nữ, người mẫu bị lộ thông tin cá nhân, nhất là
chuyện yêu đương, quan hệ xã hội đã nghĩ quẩn mà bỏ học, bỏ nhà, hay hủy hoại
thân thể...
Trên
lĩnh vực kinh tế, việc lộ hoặc cố tình lấy cắp thông tin cá nhân sẽ dẫn đến các
hành vi chiếm đoạt tài sản, tiền bạc và nhiều vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, có
những người vì ghen ghét nhau mà cố tình đưa thông tin của người khác lên mạng
xã hội để gièm pha, nói xấu, nhằm làm nhục hay hạ thấp uy tín của đối phương,
gây mất đoàn kết và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác cho xã hội.
Hiển
nhiên, không một cá nhân, gia đình hay tổ chức nào muốn thông tin (nhất là bí
mật đời tư) của mình bị rò rỉ, tán phát. Tuy nhiên, sự vi phạm trong thời gian
qua khá tràn lan, trở thành mối lo cho mỗi cá nhân và cả xã hội. Trong khi đó,
việc ngăn chặn những hành vi xâm phạm bí mật của cá nhân hay tự bảo mật thông
tin cá nhân trong kỷ nguyên số thực sự rất khó khăn, nhất là khi thông tin trên
các trang mạng như facebook, zalo, viber... được lan truyền rất nhanh chỉ sau
một cái “nhấp chuột" máy tính.
Phòng,
chống xâm phạm và rò rỉ thông tin cá nhân phải được thực hiện đồng bộ từ nhà
cung cấp dịch vụ thông tin, tài khoản tài chính đến các cá nhân, tổ chức sử
dụng dịch vụ, tài khoản ấy. Trước hết, mỗi cá nhân, tổ chức phải luôn đặt mật
khẩu cho thiết bị cá nhân, chia sẻ thông tin có chọn lọc, thường xuyên cập nhật
hệ thống và các chức năng bảo vệ tài khoản, quản lý tốt tài khoản và việc bảo
mật tại các ngân hàng, cẩn trọng khi dùng dịch vụ lưu trữ... Bên cạnh đó, các
nhà cung cấp dịch vụ cũng cần thường xuyên nâng cấp hệ thống có độ tin cậy và
bảo mật cao, phát hiện nhanh các hiện tượng xâm nhập thông tin cá nhân để ngăn
chặn và xử lý kịp thời.
Điều
38, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ quyền về đời sống riêng tư, bí
mật cá nhân, bí mật gia đình. Đồng thời, Điều 159 Bộ luật Hình sự cũng quy định
xử lý về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của
người khác. Xã hội càng phát triển, càng phải bảo vệ tốt thông tin cá nhân. Vì
vậy, việc phòng, chống xâm phạm thông tin cá nhân là trách nhiệm không chỉ của
các cá nhân, tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ mà là của toàn xã hội. Chỉ có như
vậy chúng ta mới bảo mật tốt thông tin cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh trật
tự, an toàn và sự phát triển của xã hội.
Đăng nhận xét