Nếu chưa có điều kiện để hi sinh, cống hiến… thì hãy là một công dân tuân thủ pháp luật, trước hết vì an toàn của chính mình và người thân, sau đó là cả cộng đồng.



Vừa mở chuỗi cửa hàng kem chưa được bao lâu thì Covid-19 bùng phát trở lại, một chủ doanh nghiệp cho biết, anh như "dở sống dở chết" vì tiền thuê mặt bằng đã trả theo hợp đồng dài hạn, một số điểm bán trong chuỗi phải tạm đóng cửa, số còn lại kinh doanh cầm chừng.

Gần 12.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường mỗi tháng kể từ đầu năm đến nay. Riêng tháng 5, có 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt đồng chờ làm thủ tục giải thể và có 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đó là những con số biết nói, cho thấy dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến môi trường kinh doanh.

Dù rằng chúng ta có nhiều kinh nghiệm khi đã vượt qua 3 đợt dịch kể từ đầu năm 2020, tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 này phức tạp hơn nhiều với số ca nhiễm tăng chóng mặt và mức độ nguy hiểm của chủng virus mới cũng tăng lên. Dịch đã tấn công vào khu công nghiệp và đe dọa sự an toàn của những trung tâm kinh tế, xã hội là Hà Nội và TPHCM.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương này đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc.

Thực hiện giãn cách, thậm chí phong tỏa là điều mà không một doanh nghiệp, người dân nào mong muốn, cũng là phương án cùng bất đắc dĩ của cơ quan điều hành. Ai cũng đều muốn được sống thoải mái, được duy trì công việc và có thu nhập, doanh nghiệp muốn hoạt động và địa phương cần nguồn thu.

Nhưng, đó là lựa chọn không thể khác khi mà nguồn cung vắc xin có hạn, trong thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể phổ cập vắc xin cho toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Hiện, các cơ quan chức năng vẫn đang căng mình để khoanh vùng dập dịch, không thể để đám lửa nhỏ thiêu rụi một khu rừng.

Nếu vừa qua một số địa phương không giãn cách thì có thể dịch đã lan rộng hơn, dẫn đến mất kiểm soát. Lúc đó, hệ thống y tế quá tải, sổ tử vong sẽ nhiều, cuộc sống đảo lộn, biết đến bao giờ kinh tế mới khôi phục hoạt động?

Bi kịch đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới nên thiết nghĩ rằng, dù có bất tiện, có khó khăn trước mắt, song hơn lúc nào khác, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần đồng lòng với Chính phủ, với chính quyền địa phương, sẻ chia và phối hợp với lực lượng tuyến đầu để cùng nhau vượt qua.

Đâu đó có những người chống đối cách ly, có những người vẫn vi phạm yêu cầu giãn cách, vẫn có những thông điệp mang tính xuyên tạc, bóp méo nỗ lực chống dịch của cả nước. Có lẽ, bởi họ chưa từng đặt mình vào vị trí của những y bác sĩ, những chiến sĩ, những tình nguyện viên nơi tuyến đầu đang khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ trong tiết trời nắng nóng như chảo lửa; chấp nhận xa người thân hàng tháng ròng phục vụ công tác chữa trị, cách ly....

Một bàn tay không vỗ thành tiếng. Những cố gắng một chiều đâu thể mang lại kết quả trong cuộc chiến gian nan này! Muốn quay lại nhịp sống bình thường, muốn bản thân và gia đình an toàn, muốn quay trở lại với công việc - đó là mong mỏi tất cả chứ không chỉ riêng ai. Nhưng trước hết, nếu cần giãn cách hãy giãn cách, cần cách ly cứ cách ly.

Nếu như không thể cùng những người khác chung tay hỗ trợ đồng bào trong vùng dịch, trong vùng cách ly thì cũng đừng than vãn hay trách móc. Ít nhất cũng nên ủng hộ và ngợi ca những cá nhân và tổ chức đã đóng góp nhân lực, vật lực cho công cuộc chống dịch, đã mua thêm vắc xin, mua thêm máy thở…

 

Đăng nhận xét

 
Top