Không ít cán bộ, đảng viên khi còn công tác là người có vị trí, có uy tín nhất định trong cơ quan, đơn vị nhưng khi về nghỉ hưu thì lại có những lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực, thậm chí có biểu hiện “ngược dòng”. Họ thường phán xét kiểu “té nước theo mưa” hay hoài nghi, phủ nhận thành tựu, nhìn cuộc sống qua “đôi kính đen”, nhập nhằng “trắng-đen” lẫn lộn, xét lại lịch sử. Vô hình trung, họ dần rơi vào “bẫy” "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch, “tự ngã dưới chân mình”.



1. TỰ CHO MÌNH VAI TRÒ “NGƯỜI PHÁN XỬ”

Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ thông tin, internet có nhiều tác động làm thay đổi đáng kể cuộc sống. Mạng xã hội trở nên phổ biến, không chỉ với lớp trẻ mà cả người già cũng nhanh chóng tiếp cận nền tảng số. Một số ít cán bộ nhà nước khi nghỉ hưu, do môi trường thay đổi, nhàn rỗi hơn nên thường xuyên lướt mạng, tìm kiếm thông tin về những sự việc, hiện tượng đang được dư luận quan tâm. Cũng qua mạng xã hội, họ có cơ hội bày tỏ chính kiến.

Thiết nghĩ đó cũng là điều bình thường và sẽ là đáng quý nếu các chính kiến ấy là đúng đắn, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Nhưng thật đáng buồn, có những sự việc, hiện tượng mà số cán bộ này tham gia bàn tán, bình luận lại thuộc lĩnh vực mà trước đó, khi còn công tác, họ tham gia quản lý hoặc trực tiếp giải quyết thì giờ đây họ lại bôi đen, đưa ra cái nhìn lệch lạc, thậm chí tiết lộ cả bí mật Nhà nước để các thế lực thù địch lợi dụng kích động.

Họ phủ định sạch trơn, hạ thấp thành quả cách mạng và vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, đề cao cái tôi cá nhân, gây hoài nghi, làm mất đoàn kết nội bộ, khiến cho tình hình ở một số đơn vị, cơ quan thêm phức tạp, gây khó khăn cho tổ chức. Đó là những biểu hiện đúng như nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra: “Nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Cá biệt hơn, từng có người là cán bộ cao cấp, giữ các trọng trách ở Trung ương, địa phương cũng “tát nước theo mưa” theo những luận điệu của các thế lực thù địch, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, xét lại lịch sử, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Đã có trường hợp cá biệt bị xử lý luật, khai trừ khỏi Đảng.

Những trường hợp đề cập ở trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do tính vị kỷ, háo danh, thiếu bản lĩnh, thiếu sự kiên định mục tiêu, lý tưởng, thiếu nhất quán trước và sau khi nghỉ hưu. Cha ông ta từng nói: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định: Chức tước, tiền bạc chỉ là phù vân. Chỉ có danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất song không ít người lại tự tay thiêu đốt cả danh dự, uy tín cả cuộc đời vun đắp từ những lời nói, việc làm thiếu suy nghĩ trong phút chốc. Đến lúc nhận ra thì đã muộn.

Trước những chiêu trò chống phá, kích động của các thế lực thù địch, có một số người bị lôi kéo, họ bị chúng lợi dụng hình ảnh, uy tín của chính mình để làm điều không tốt dưới những danh nghĩa như: “Chống tiêu cực, tham nhũng”, “bản lĩnh kẻ sĩ”... Có người thậm chí còn không chỉ lên tiếng, viết bài, bình luận... trên các mạng xã hội hay viết hồi ký, tự sự cá nhân mà còn đăng đàn trả lời một số đài báo hải ngoại thường xuyên có quan điểm chống phá Đảng, Nhà nước. Họ nói ngược lại, xét lại những gì trước đây họ từng khẳng định. Nói cách khác, họ đang “ngược dòng” sự thật và đang phản bội chính mình. Hiện tượng phản bội lại chính mình ấy, theo cách nói của dân gian là “lật lọng”. Hệ lụy là chính những người thân, bạn bè, nhất là giới trẻ từng quen biết, tôn trọng họ rơi vào trạng thái hoài nghi, hoang mang, dao động, mất niềm tin.

Câu chuyện ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam)-người đã từng cho phát hành 24 cuốn sách có nội dung sai phạm và có các bài viết, thư ngỏ-có nội dung trái quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước-các thế lực thù địch đã lợi dụng nguồn “tư liệu” đó để chống phá ta là một trong những ví dụ đáng buồn. Một vài cán bộ nghỉ hưu giữ chức vụ cấp viện, trưởng khoa... cũng đi theo vết xe đổ tương tự. Một vài nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học khác từng là những cái tên có thương hiệu một thời giờ đây lại trở thành những đối tượng “cầm đầu” một vài hội nhóm núp bóng “xã hội dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước. Từ những người “đức cao vọng trọng” năm nào giờ đây nhắc đến họ, nhiều người chỉ còn biết ngao ngán lắc đầu...



Đáng tiếc, không chỉ dịp 30-4 vừa qua, mà nhiều lần, những người tự cho là có trách nhiệm “vén bức màn sự thật” lại a dua, lên tiếng xét lại lịch sử. Họ a dua theo những trào lưu trên mạng để hạ bệ người này, công kích người kia, tạo nên những trào lưu “tranh công đổ lỗi”, xúc phạm những người có công từng được lịch sử ghi nhận, gây hoang mang dư luận, làm tổn thương hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Họ lật lại sự việc bằng những lời lẽ thiếu thuyết phục, quy chụp, thông tin thiếu khách quan và tự cho mình cái quyền đứng trên người khác để “phán xử”. Điều này làm cho dư luận một bộ phận có phản ứng tiêu cực về lịch sử cách mạng dân tộc, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Các thế lực thù địch, chống phá càng được dịp “đục nước béo cò”, kích động, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với quân đội và chế độ.

2. GIỮ TRỌN LỜI THỀ TRƯỚC ĐẢNG

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra nhiều nhóm giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần cảnh báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những biểu hiện như trên làm vai trò lãnh đạo của Đảng bị giảm sút; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

30 năm trước, chứng kiến sự tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu có nguyên nhân từ những hiện tượng phản bội lý tưởng, xét lại lịch sử, nhà thơ Tố Hữu đã gọi “nỗi đau này là nỗi đau chung” và tự vấn “lương tâm hỡi lẽ nào ta tự sát” rồi đi đến khẳng định "lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát" "chớ vội cười, chân lý vẫn xanh tươi". Cái xấu, sự phản bội, đi ngược đạo đức cần phải kiên quyết bị tẩy chay, bị đấu tranh và xử lý nghiêm minh bằng cả ánh sáng pháp lý và đạo lý.

Đối với mỗi người chúng ta, nhất là với cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo lựa chọn, tiếp nhận nguồn thông tin chính thống, trung thực; cảnh giác và lên tiếng mạnh mẽ, vạch mặt mưu đồ đen tối đó. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng hiện nay cần phải tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi những nhân tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đội ngũ và toàn xã hội. Đối với những cá nhân cán bộ, đảng viên được giao trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước lịch sử, trước Đảng, trước nhân dân trong nhận diện âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và những người có tư tưởng ngược dòng để nhanh chóng có biện pháp xử lý hiệu quả. Cần tạo ra môi trường thông tin thuận lợi để phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong cổ vũ sự thật, giá trị lịch sử truyền thống và kịp thời lên tiếng, đấu tranh đẩy lùi những “dòng nước ngược”. Những trường hợp vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương, không chỉ với cán bộ đương chức mà cả cán bộ đã nghỉ hưu theo đúng các quy định gần đây của kỷ luật Đảng, của pháp luật Nhà nước.

Mỗi đảng viên khi vào Đảng đã từng giơ nắm tay xin thề dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững bản lĩnh chính trị, tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Lời thề đó mang ý nghĩa thiêng liêng, là sự cam kết giữ trọn niềm tin và tình cảm, trách nhiệm với Đảng, với dân. Lời thề không chỉ là lời hứa danh dự của người cộng sản, đó còn là lời hứa chứa đựng niềm tin, giá trị đạo đức, văn hóa và chiều sâu nhân cách của một con người tử tế để luôn tạo nên niềm tin mãnh liệt, quyết tâm phấn đấu, thực hiện cho bằng được. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần rằng: Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng. Sống làm sao để đến lúc nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất./.

St

 

Đăng nhận xét

 
Top