Để có được vắc xin tiêm cho người dân, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã phải nỗ lực rất lớn. Vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng, đừng từ chối cơ hội được tiêm vắc xin.



Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ nay đến hết năm, cả nước sẽ mở chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, phấn đấu tỷ lệ trên 70% người dân của cả nước được tiêm vắc xin để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tức là có khoảng 75 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được chủng ngừa vắc xin chống Covid-19.

Hiện, các tỉnh, thành trên cả nước đang đồng loạt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình mà Chính phủ và Bộ Y tế đề ra.

Bản thân người viết, với đặc thù nghề nghiệp nên được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt 2, tháng 5/2021. Tất nhiên, cũng như nhiều người, cảm giác lo lắng, bất an trước khi tiêm là không tránh khỏi, nhất là khi có những thông tin "truyền miệng" về tác dụng phụ của vắc xin.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Nghệ An, tôi thấy mình thật may mắn khi giảm được một phần nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nhờ mũi tiêm vắc xin đầu tiên đó.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cú điện thoại của người quen, hỏi có nên tiêm vắc xin không, bởi nhiều thông tin "nhiễu" trên mạng xã hội khiến họ lo lắng. "Anh/chị có 2 lựa chọn, hoặc chết vì Covid-19 trong cô đơn, hoặc có thể gặp một số tác dụng không mong muốn từ mũi tiêm và được người nhà, bác sỹ chăm sóc".

Tất nhiên, đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng là phản ánh chân thực nhất thực tế để mọi người cân nhắc, đưa ra lựa chọn cho sự an toàn tính mạng và sức khỏe của chính mình.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh, phạm vi dịch mở rộng ra nhiều địa phương thì vắc xin là biện pháp duy nhất để chúng ta ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể.

Đạt được miễn dịch cộng đồng là cái đích không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới hướng tới. Và tiêm vắc xin là cách duy nhất để đạt được mục tiêu này.

Khi nguồn vắc xin trên thế giới đang khan hiếm và chưa chủ động được vắc xin tự sản xuất trong nước, Chính phủ đã và đang nỗ lực để có 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 70% dân số cả nước. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận nhiều điều khoản của bên cung ứng vắc xin đưa ra mà không có cơ hội được đàm phán.

Một lực lượng hùng hậu với những thiết bị liên quan đã được huy động cho chiến dịch tiêm vắc xin toàn quốc. Phác đồ xử lý các tình huống tai biến sau tiêm cũng như các cơ sở vật chất đảm bảo an toàn sau tiêm chủng cũng đã được tính toán chi tiết và triển khai ở tất cả các tỉnh, thành.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Chính phủ, Bộ Y tế cần sự phối hợp của mỗi người dân để hoàn thành mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc sớm được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là yếu tố quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh: "Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân người dân Việt Nam, mà còn là trách nhiệm, vì muốn phòng bệnh thì phải đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là ít nhất 70% dân số phải được tiêm chủng".

Trong thời điểm này, được tiêm vắc xin, đó là một điều may mắn. Và xin hãy thuộc nằm lòng nguyên tắc 5K và vắc xin - "vũ khí" để chúng ta chiến thắng đại dịch Covid-19!

St

Đăng nhận xét

 
Top