Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn lịch sử và hiện tại, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.



Chương trình Đối diện tháng 6 của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng ngày 30/6 đã chọn chủ đề "Phản bác thông tin xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam".

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Đảng và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn, được kiên trì, kiên định triển khai thực hiện suốt từ năm 1930 đến nay, nhờ đó, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, rồi thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những điều đó đã được lịch sử dân tộc minh chứng rất rõ ràng.

Ấy vậy mà hiện nay vẫn có những giọng điệu lạc lõng của các thế lực thù địch, phản động đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn và đi theo con đường khác, vì họ cho rằng đó là "con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt". Họ cũng rêu rao rằng: "Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội", kiên định với "chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" là "lạc nhịp", "lỗi thời".



Thủ đoạn họ thường dùng là tạo dựng, xuyên tạc bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin sai sự thật, "lập lờ đánh lận con đen" về tình hình đất nước, rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng chống phá Việt Nam.

Danlambao là một trang mạng chuyên đăng tải bài viết của các thế lực thù địch,phản động chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hồi tháng 5/2020, trang này có đưa bài của Nguyễn Dân - một kẻ luôn đưa ra những nhận thức ấu trĩ, thiếu khách quan, cố tình bóp méo sự thật tình hình đất nước. Với những lời lẽ bịa đặt, thông tin thì cắt ghép khiên cưỡng, bài viết này đã bôi nhọ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Kẻ này xuyên tạc rằng: "Đảng cộng sản dốc tâm lo xây dựng chủ nghĩa xã hội để nắm giữ lợi quyền. Để độc quyền cai trị. Để có cơ nhũng lạm, cướp bóc, làm giàu cho cá nhân, phe nhóm, vinh sang cho một đảng trị vì khiến đất nước cứ mãi lạc hậu đói nghèo". Tất nhiên, sẽ không một ai tin vào những lời lẽ vô lối, hằn học n

Một bài viết trên kênh VOA Tiếng Việt hồi tháng 11 năm ngoái đã bịa đặt, xuyên tạc lố bịch, thổi phồng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, rêu rao rằng ai đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền đều bị trấn áp, bắt bớ, bỏ tù với những bản án hết sức nặng nề. Trong khi thực tế thì đó là những công dân vi phạm pháp luật.



Họ còn tung ra những cáo buộc vô căn cứ như là: các giá trị đạo đức, văn hóa, những dân chủ nhân quyền chỉ là lời có cánh, nói xong là bay chứ không có trong hiện thực cuộc sống. Trong một tâm địa xấu xa, những kẻ này quả thực có trí "tưởng tượng" phi thường.

Thời gian qua, các thế lực thù địch dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, hòng gây hoang mang dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Họ tung ra những quan điểm như là "Chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện cứu nước, giành độc lập dân tộc, và khi giành độc lập rồi thì cần phải thay đổi phương tiện". Hay là "chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hoàn toàn không có bình đẳng xã hội, không có an sinh, phúc lợi xã hội gì cả, mọi thứ đều phải trả tiền".

Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học và phản động.

Tìm mọi cách bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn lịch sử và hiện tại, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đang hiện hữu ở Việt Nam... - mưu đồ trước mắt và lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch, phản động là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

Nhưng đáng buồn là trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản.

Xuyên tạc, bóp méo về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Một trong những nội dung thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, phê phán, bóp méo đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng, không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản.

Họ còn cao giọng rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; Gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục.

Nhưng thực tế thì sao? Những thành quả phát triển kinh tế trong 35 năm qua của một đất nước đã phải trải qua 3 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá, gần 1 thế kỷ bị thực dân đô hộ rõ ràng là minh chứng thuyết phục nhất để bác lại những nhận định bóp méo sự thật trên.

Các chuyên gia cũng đã nhiều lần khẳng định: đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.



Thực tiễn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân.

Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đã xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Và mới đây, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Những thay đổi trong chủ trương, chính sách đã tạo ra những thành tựu to lớn trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta.

Thế nhưng trong một bài viết mới đây, trang VOA tiếng Việt, vẫn hàm hồ bình luận rằng, việc lựa chọn nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là bóp nghẹt kinh tế tư nhân, và không có tự do cạnh tranh.

Nhiều phần tử xấu cũng xuyên tạc về mô hình mà Việt Nam lựa chọn để phát triển. Cho rằng đây là một khái niệm mơ hồ, không có trong thực tế. Nhất là vào thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch đã bình luận rằng: Kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa khác nhau như nước với lửa; Không có nền kinh tế thị trường nào lại có thể kết hợp cùng xã hội chủ nghĩa.

Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng, kìm hãm thể chế thị trường và kìm hãm cải cách. Tất cả nhằm mục đích làm giảm lòng tin của nhân dân vào con đường phát triển kinh tế mà Đảng đã lựa chọn.

Vin vào tình trạng tham nhũng số ít để "vơ đũa cả nắm"

Mục đích của những kẻ tung ra các luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ trên là rất rõ ràng. Nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa xã hội, lái nước ta đi theo con đường khác - con đường tư bản chủ nghĩa, thì cũng làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Một trong những thủ đoạn thâm độc khác cũng được các thế lực thù địch, phản động sử dụng là chúng đã vin vào tình trạng tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rồi lu loa và vơ đũa cả nắm rằng: Người lãnh đạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ chuyên đi ăn chặn của dân, chuyên tham nhũng để làm giàu cho bản thân, gia đình mình, mặc cho dân đói khổ.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có hiện tượng đó, nhưng chỉ là số ít. Những cán bộ thoái hóa, biến chất đó đã được Đảng ta kỷ luật nghiêm minh, với những hình phạt thích đáng. Có cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị cũng phải chịu án tù.

Chúng cũng cũng rêu rao rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa đâu có chuyện tham nhũng thế này. Nhưng đâu phải chỉ Việt Nam mới có nạn tham nhũng. Đây là vấn nạn chung ở nhiều quốc gia, có thể chế chính trị và con đường phát triển khác nhau. Cũng xin nhấn mạnh thêm, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Đảng ta triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Bên cạnh đó, thay vì chờ đầy đủ chứng cứ mới xử những người vi phạm thì hiện nay với quan điểm phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó nên nhiều vụ án đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, kiên quyết không để chìm xuồng. Điển hình như những vụ án liên quan đến Vũ Nhôm, Trịnh Xuân Thanh…án chồng án.

Từ thực tế một bộ phận cán bộ lãnh đạo có biểu hiện quan cách mạng, thậm chí "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đã được Đảng xác định là then chốt của then chốt.

Công tác cán bộ là công tác con người. Mà đã là con người thì hôm nay tốt nhưng ngày mai có thể sẽ bị sa ngã. Dám nhìn thẳng vào sự thật để xử lý cán bộ, Đảng viên sa ngã từ đó củng cố công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ để Đảng trong sạch, vững mạnh chính là con đường mà Đảng đã lựa chọn.

Những thành tựu to lớn của Việt Nam là vũ khí sắc bén làm thất bại mọi âm mưu

Ngày 16/5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Đây là một bài viết rất quan trọng, không chỉ trực tiếp phản bác những quan điểm sai lầm, phiến diện, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn khẳng định sự lựa chọn của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vừa phù hợp với quy luật khách quan.

Chúng ta không phủ nhận vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế trong quá trình phát triển đi lên. Đúng là nước ta còn nghèo, thu nhập còn ở mức trung bình thấp, nhưng đó không phải là lỗi của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc ta lựa chọn mà do chính thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch, tay sai đã kéo lùi sự phát triển của đất nước ta.

Giờ đây, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc đổi mới 35 năm qua là bằng chứng của sự vươn lên, khẳng định quá trình phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là bằng chứng sống động bác bỏ những toan tính của các phần tử chống đối, thù địch muốn chúng ta rời bỏ lựa chọn này, chia rẽ sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã tạo ra kỳ tích về xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ 50% xuống còn khoảng 2%. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm.

Việt Nam đang hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng khi tầng lớp trung lưu chiếm 10% dân số hiện nay sẽ tăng lên 50% vào năm 2035 theo như dự báo của Ngân hàng thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết cũng chính là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới và cố gắng đạt được.

Nhìn lại hai năm qua, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân ở nhiều quốc gia khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Mặc dù vậy, vượt bao khó khăn, sóng gió của đại dịch, Đảng, Nhà nước luôn giữ những nguyên tắc bất di, bất dịch. Đó là ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết. Mục tiêu ấy phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những nỗ lực chống dịch COVID-19 đã chứng minh rằng, Việt Nam đã giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Chính thực tế này thêm khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ còn lâu dài, liên tục, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách và không thể nóng vội.

Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường ấy sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn, đất nước sẽ ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, giàu mạnh.

Đó cũng sẽ là câu trả lời rõ ràng, đanh thép của chúng ta, đó là vũ khí sắc bén để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

VTV

 

Đăng nhận xét

 
Top