Ngày 20/01/2019, Quốc hội Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trong đó quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia. Đây là nội dung mới chưa từng có tiền lệ trong các văn bản pháp luật về lao động tại Việt Nam. Thế nhưng lợi dụng Quốc hội thông quy định này, một số tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước đang ra sức tuyên truyền, kích động, lôi kéo công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp núp danh thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “công đoàn độc lập” tại Việt Nam để với động cơ từng bước tập hợp lực lượng, dựng lên ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ… Từ đó, họ muốn hình thành lực lượng chính trị đối lập ở trong nước để tiến tới tiến hành “cách mạng đường phố” theo kiểu “mùa xuân Ả-rập” như đã từng diễn ra ở một số nước, và, lẽ tất nhiên họ muốn lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.



Nói như trên không phải là suy diễn, áp đặt mà có những bằng chứng rất cụ thể cho cả một chiến dịch của họ để hòng thực hiện ý đồ của mình. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với các cơ quan chức năng trong suốt quá trình cụ thể hóa các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất là quy trình thủ tục thành lập các “tổ chức đại diện người lao động” hòng tạo cơ sở nền tảng cho việc hình thành những đảng phái đối lập ở trong nước. Họ công khai lộ trình gồm 4 giai đoạn, trong đó đáng chú ý giai đoạn 3 là hình thành tổ chức “công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam và giai đoạn 4 họ đặt ra mục tiêu: “khi đa nguyên công đoàn thì sẽ đa nguyên về chính trị” và họ muốn đến năm 2025 sẽ cho ra đời “Liên hiệp các tổ chức người lao động” tại Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp và xóa bỏ vai trò “độc tôn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tổ chức “xã hội dân sự” nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động để thành lập tổ chức độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp. Đáng chú ý, cái gọi là tổ chức "Việt Tân" công khai mưu đồ thành lập các “nghiệp đoàn độc lập” ở trong nước với ba giai đoạn do Trần Việt Thành - Việt kiều tại Ba Lan làm Chủ tịch để móc nối trong ngoài hình thành các hội, nhóm, “nghiệp đoàn độc lập” trong các doanh nghiệp nhằm tiến hành các hoạt động chống chính quyền, như: đình công, lãn công, biểu tình và tiến tới bạo loạn chính trị. Được hà hơi, tiếp sức từ bên ngoài, một số cá nhân ở trong nước đẩy mạnh các hoạt động, thúc đẩy hình thành các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn trong tôn giáo theo mô hình “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” tại Việt Nam, thành lập các “công đoàn độc lập” tại các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học. Họ còn liên kết với Tổ chức Lao động quốc tế để hỗ trợ thành lập các “tổ chức công đoàn độc lập” nhằm lôi kéo số công nhân theo đạo làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy khi “hứa” bảo vệ quyền lợi cho họ…

Thực tiễn lịch sử đã minh chứng do tác động của “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” đã dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Ba Lan vào năm 1989 của Thế kỷ XX. Và ở nhiều nước trong thời gian qua, như: Pháp, Hà Lan, Bỉ, Campuchia… do tác động của công đoàn hoạt động theo kiểu tự do đã làm cho xã hội chao đảo và dẫn đến những hậu quả nặng nề…

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chủ trương cho hình thành và hoạt động của hệ thống các tổ chức đại diện người lao động một cách chính đáng và lành mạnh, song hành với hệ thống công đoàn Việt nam để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công nhân và người lao động trên cơ sở luật pháp Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế. Vì vậy, những việc làm trên của một số tổ chức và cá nhân muốn cho ra đời các tổ chức theo kiểu “công đoàn độc lập” để đối lập với Công đoàn Việt Nam - một tổ chức chính trị, xã hội là cơ quan đại diện và bảo vệ cho quyền lợi chính đáng hợp pháp cho công nhân và người lao động là việc làm không phù hợp. Với ý đồ thay đổi hệ thống chính trị tại Việt nam nên thời gian qua các tổ chức và cá nhân chống đối đã thể hiện rõ các hoạt động lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp. Song, giai cấp công nhân và những người lao động Việt Nam đã có quá trình ra đời và phát triển hằng trăm năm nhất định sẽ luôn tỉnh táo để không bị lợi dụng và cũng để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình. Hơn bao giờ hết, hiện nay cả hệ thống chính trị đang tập trung chống đại dịch Covid-19 thì công nhân và lực lượng lao động đang là những người giữ vai trò xung kích trên mặt trận sản xuất để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép do Chính phủ đề ra: Vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội./.

 

Đăng nhận xét

 
Top