Trong hơn 2 năm tiến hành công tác chống dịch Covid-19 nói chung và hơn 4 tháng tập trung phòng và chống làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 nói riêng, dù còn có những bất cập cần phải điều chỉnh cho sát hợp thực tế, song có thể khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực trong từng chủ trương, giải pháp, biện pháp để chăm lo cho nhân dân. Cả hệ thống chính trị đều hướng về nhân dân để từng bước kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này khác hoàn toàn với sự vu khống, bẻ cong sự thật của Việt Thủy qua bài viết “Chính Quyền Việt Nam Chống Dịch Và Chống Luôn Cả Dân” đăng ngày 22/9/2021 trên trang Thông Luận và Mai Bá Kiếm với bài viết “Pháo đài” hay “Ấp chiến lược“?” đăng trên Tiếng Dân News ngày 27/9/2021.



Trước sự xuyên tạc trắng trợn này, cần khẳng định với Việt Thủy và Mai Bá Kiếm một số vấn đề cơ bản sau:

1. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Vì thế chăm lo cho nhân dân, chăm lo “cho gốc” tươi tốt, vững bền để đất nước phát triển phồn vinh, cường thịnh là nguyên tắc xuyên suốt và nhất quán. Cho nên, nhận định của Việt Thủy “qua những động thái của chính quyền cộng sản Việt Nam trong mùa dịch Covid, tôi nhận ra một điều, họ chống dịch và chống luôn cả dân” và của Mai Bá Kiếm “phường, xã bị rào chắn kẽm gai chẳng giống “pháo đài” hay “lô cốt”, mà nó y chang “ấp chiến lược”… tại sao lại “đánh giặc Covid” theo cách của ông Ngô Đình Diệm, biến từng khu phố thành “ấp chiến lược”?” là sự xuyên tạc trắng trợn công tác phòng và chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Kỳ thực, ai cũng hiểu, vốn là đại họa của nhân loại, dịch Covid-19 buộc tất cả quốc gia cùng phải đối diện với hàng loạt vấn đề giống nhau do Covid tạo ra, mà một trong những trọng tâm chính là cần huy động mọi nguồn lực để tập trung ngăn chặn sự phát triển của dịch, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong của con người và những tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cũng như các quốc gia khác, từ khi đối diện với dịch Covid-19, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều lấy người dân làm trung tâm, nhằm vừa bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân vừa cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt.

Kỳ thực, ai cũng hiểu, công tác phòng và chống dịch, ngăn ngừa thảm họa và giải quyết các hệ lụy liên quan đến dịch bệnh khi biến thể Delta lây lan nhanh phụ thuộc vào điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa… của mỗi quốc gia, nên không thể so bì, mà hãy nhìn vào thực tế những nỗ lực của Việt Nam hơn 4 tháng tập trung phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc mới là khách quan.

Rõ ràng rằng, trước tình hình dịch bệnh tại các địa phương có dịch và dịch diễn tiến nhanh, khó lường, phức tạp, số ca nhiễm hằng ngày tăng nhanh, thì giải pháp có tính cấp bách khi đó là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững, mở rộng vùng an toàn; để kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao… Đương nhiên, Đảng và Nhà nước Việt Nam thấu hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài) và người dân (bao gồm cả cư dân Thành phố Hồ Chí Minh và người lao động ngoại tỉnh ngụ cư ở Thành phố) gặp phải khi thực hiện Chỉ thị 16, 15, 15+…; nhất là đối với những người lao động tự do, mưu sinh hằng ngày, hằng giờ ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống, cung cấp dịch vụ ăn uống…

Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính thì khi có lợi ích cùng thụ hưởng, nên khi có khó khăn thì các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân hãy cùng chia sẻ, cùng đồng lòng ủng hộ chủ trương, giải pháp, biện pháp của Chính phủ để góp phần ngăn ngừa rủi ro cao. Trong điều kiện dịch lây lan nhanh, số người tử vong tăng nhanh, thì việc không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 ở một số địa bàn đã buộc các cơ quan chức năng phải sử dụng những biện pháp cưỡng chế, những quy định cấp bách như áp chế và phạt… Tuy nhiên, không thể vì thế mà coi việc thực hiện Chỉ thị 16 là dồn dân vào “ấp chiến lược” như Mai Bá Kiếm xuyên tạc; đồng thời, cũng không phải vì việc một bộ phận người dân cố tình vi phạm Chỉ thị 16 bị xử lý phạt theo quy định mà Việt Thủy lại hồn nhiên nhận định đầy định kiến rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam “hành động một cách máy móc và thiếu tình người, chỉ cần bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến “qui định” phòng dịch là họ lập tức áp chế và phạt, mặc kệ cả những nhu cầu thiết yếu của người dân”.

Kỷ cương, pháp luật là cần thiết và tất cả mọi người đều phải tuân thủ pháp luật; càng muốn tự do thì càng phải tuân thủ pháp luật và theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin thì tự do không phải chỉ là tự do của cá nhân, mà tự do còn là vấn đề xã hội; vì “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Khi một công dân cố tình vi phạm quy định thì bị cưỡng chế, bị phạt là không thể tránh khỏi.

2. Không thể vì Đảng và Nhà nước Việt Nam tập trung phòng và chống dịch mà nhân cớ đó xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội như Việt Thủy quy kết “chống dịch rất quan trọng nhưng là để lập thành tích, để giữ vững sự ổn định của chế độ cộng sản của họ hơn là chia sẻ và quan tâm đến nơi ăn chốn ở, cái ăn cái uống cũng như cuộc sống của người dân trong mùa dịch”. Lại càng không thể cho rằng, “trong trận chiến chống giặc Covid, bên thắng cuộc lại áp dụng cách “phòng thủ co cụm” của ông Diệm. Họ rào từng khu phố để tách F0 ra khỏi dân. F0 tạm coi như “kẻ thù cơ hội” (occasional enemy) của dân!” như Mai Bá Kiếm cố tình so sánh để bôi đen sự thật.

Cả Việt Thủy và Mai Bá Kiếm đều cố tình bẻ cong sự thật, cố tình nhìn vào một số khó khăn, trở ngại khi các địa phương thực hiện giãn cách triệt để trên tin thần: “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”’; tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; và việc các chốt, trạm kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào các địa phương, Thành phố chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa có mã (QR code), xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch theo kế hoạch được hoạt động…, để cho rằng các cấp chính quyền Việt Nam “thực sự lúng túng và bất lực trong việc đối phó với dịch bệnh” và đã “xâm phạm quyền tự do đi lại và di chuyển của người dân. Họ sẵn sàng sử dụng những cách chống dịch không tính toán, thô bạo và không cần quan tâm đến cuộc sống của người dân”.

Việt Nam kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là nhằm làm cho con người và sự phát triển con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng cơ hội, nâng cao điều kiện cho con người phát triển; đồng thời, mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển… để xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Sự thật này hoàn toàn khác về bản chất với sự suy diễn thiển cận, sự xuyên tạc phản động của Việt Thủy rằng, chủ nghĩa cộng sản “vốn chỉ đề cập xoay quanh việc đấu tranh giai cấp, chút ít lý thuyết về kinh tế và trọng tâm nhất vẫn là xoay quanh việc đấu tranh để giành quyền lực của giai cấp vô sản” và “không hề có một dòng hay một điều gì nhằm hướng đến cứu cánh của cuộc đấu tranh là vì con người hay sự tốt đẹp của xã hội. Marx không hề đề cập đến các vấn đề như môi trường, dịch bệnh, giáo dục… hoặc có chăng cũng là sự đề cập qua loa. Đảng cộng sản là hậu thế của Marx, họ hành xử như vậy cũng là một điều dễ hiểu”.

Cả Việt Thủy và Mai Bá Kiếm đều mang trong mình sự hận thù giai cấp, ảo tưởng về dân chủ kiểu “phương Tây” để không chỉ so sánh công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam với phương Tây và Mỹ; công kích những quyết sách của Nhà nước Việt Nam là “lúng túng vội vàng tung ra những chỉ thị, chế tài mang tính chất đối phó tạm thời, ngắn hạn và không hề tính toán đến những khía cạnh khác của xã hội. Một thảm họa về đời sống của người dân đã và đang xảy ra ngầm trong xã hội”, mà còn từ đó/nhân cớ đó kích động, chia rẽ lòng dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng khi cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam chống dịch là: “Họ chống dịch nhưng không có nghĩa là họ vì dân!”.

Chưa dừng ở đó, nhóm Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói chung, Việt Thủy nói riêng còn phát tán thông tin xấu độc, kích động sự chống phá chế độ khi cho rằng “sau thảm kịch Covid-19 này, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ rất tồi tệ. Cuộc khủng hoảng về kinh tế sẽ dẫn đến những phản ứng kéo theo về giáo dục, xã hội và chính trị. Sẽ có những biến động chính trị lớn ở Việt Nam và tạo ra những khoảng trống quyền lực trong hậu trường Đảng cộng sản”, để kêu gọi trí thức Việt Nam “kết hợp lại, tạo thành một mặt trận để làm đối trọng với đảng cộng sản, phòng trường hợp có những phe nhóm tài phiệt, lợi ích có nguồn gốc hoặc dính líu với đảng cộng sản, thừa cơ lấp khoảng trống đó”.

Người thì ảo tưởng kêu gọi “thời cơ để cứu nước Việt Nam chính là đây”; người thì hồi tưởng hão huyền “không biết chừng nào có “Dương Văn Minh” tái thế?”. Nói gì, kêu gì thì cuối cùng, Việt Thủy và Mai Bá Kiếm đều đã lộ đuôi cáo chống Đảng và chế độ khi xuyên tạc, phủ nhận mọi nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để chia rẽ nhân tâm!

 

Đăng nhận xét

 
Top