Từ đầu tháng 10, các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ bắt đầu thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế và trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân phải nghỉ việc do doanh nghiệp không thể hoạt động, một lượng lớn cũng đã di chuyển về quê tránh dịch chưa thể quay trở lại.



Không những vậy, từ chiều 30/9/2021 đến nay, nhiều người lao động cũng muốn rời bỏ các vùng có dịch nên vấn đề thiếu hụt nguồn lao động đang khiến các doanh nghiệp rất đau đầu. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An vẫn phải căng mình chống dịch, thì việc tìm kiếm nguồn lao động cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống giảm 44,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 31,3%... Toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Khi dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến”. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ thiếu 40.000-50.000 lao động.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng triệu lao động phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ khoảng 1/3 lao động là có việc làm ổn định. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động các biện pháp giữ chân người lao động như: Bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em công nhân để họ yên tâm sản xuất; hỗ trợ các gia đình công nhân khó khăn... Tuy nhiên, số công nhân ở lại để sản xuất cũng không nhiều.

Để thu hút người lao động trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đời sống cho lao động ngoại tỉnh, lao động tự do, giúp họ vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp và địa phương phải phối hợp đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Các doanh nghiệp cũng cần tập trung đào tạo, tái đào tạo lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động để họ đủ tiêu chí làm việc.

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh, hai tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương bạn để có kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc. Đó là tổ chức đưa đón, đi lại cho công nhân bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy theo mã QR của phương tiện giao thông và xe đưa đón của doanh nghiệp. Người lao động có thể đi bằng phương tiện cá nhân khi chấp hành tốt quy định của các địa phương. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng thiết lập khu tạm trú cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc tại những địa điểm gần với doanh nghiệp đang làm việc.

Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Việc các địa phương và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp giữ chân người lao động, đón họ trở lại làm việc không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

QĐND

Đăng nhận xét

 
Top