Kế thừa truyền thống giữ nước của dân tộc, vận dụng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quan điểm của Đảng trong các kỳ Đại hội trước về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời kỳ mới. Nội dung quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được biểu hiện trên các vấn đề cơ bản sau:



- Về phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Phải chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh; loại trừ các “nhân tố bên trong” và “nhân tố bên ngoài” có thể gây đột biến dẫn đến xung đột, chiến tranh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và sử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến” từ xa”[1] và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[2].

So với các kỳ Đại hội trước, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tinh thần, tư tưởng về chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được đề cập với tần suất khá lớn, toàn diện hơn (đề cập cả trong đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và 2045; đề cập cả trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng). Điều đó đã khẳng định quyết tâm và chủ trương nhất quán của Đảng ta là kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa một cách chủ động, nhưng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh và xem đó là “thượng sách” để giữ nước.

- Về nội dung bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Nghị quyết Đại hội XIII xác định: Bảo vệ trên tất các các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. So với các kỳ Đại hội trước, nội dung quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong Nghị quyết Đại hội XIII không chỉ được xác định trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà còn được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, các chủ thể, các lực lượng; trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đặc biệt là nội dung bảo vệ thể hiện ngay trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đó là: “Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm”[3]. Đây cũng là điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này đã thể hiện và khẳng định bảo vệ Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

- Về lực lượng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả Hệ thống chính trị, của các chủ thể, của các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.

- Về giải pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[4]. Kế sách đó được Đảng ta cụ thể hóa bằng những giải pháp sau:

Một là, xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, kết hợp giữa “nội lực” và “ngoại lực để” đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Đảng ta xác định, xây dựng đất nước để thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng đất nước đủ tiềm lực, sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực, đó là: Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội phải ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh nội lực giữ vai trò quan trọng, quyết định. Do đó, Đảng ta nhấn mạnh: Tăng cường sức mạnh nội lực, giữ vững môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột và chiến tranh dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào.

Hai là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ngay từ thời bình để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”[5]. Điểm mới so với Nghị quyết Đại hội XII là Nghị quyết Đại hội XIII đã cụ thể hóa phương châm “từng bước hiện đại” bằng chủ trương xây dựng “một số quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” trong giai đoạn 2021 - 2030 và phấn đấu từ năm 2030 sẽ “xây dựng quân đội hiện đại”. Đây là bước đi hoàn toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới và phù hợp với tiềm lực kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu tập trung xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trong đó, coi trọng việc phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”.

Ba là, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại. Thưa các đồng chí, lần đầu tiên trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ ba trụ cột của đối ngoại, đó là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Trong đó, đối ngoại quốc phòng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, tạo thế chủ động để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, nâng cao năng lực dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là một giải pháp cực kỳ quan trọng, nhất là đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay có nhiều biến động, bất trắc, khó dự báo. Điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chiến lược của Quân đội, Công an và Ngoại giao trong nghiên cứu, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các tình huống chiến lược có thể xảy ra để tham mưu chính xác cho Đảng, Nhà nước có đối sách thích hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Quan điểm của Đảng ta có ý nghĩa chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa chủ trương “giữ cho trong ấm, ngoài yên” để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

 

Đăng nhận xét

 
Top