Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, thế hệ thanh niên thời kỳ mới đã và đang tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc; không ngại khó khăn, gian khổ, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đại hội lần thứ XII của Đảng chủ trương khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Đồng thời, “phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.



Tuy nhiên, hiện nay, trước những tác động nhiều mặt của tình hình kinh tế - xã hội, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc… Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; nhiều thanh niên còn thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, tự chủ, ý chí, nghị lực, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày nay, hầu hết thanh niên đều sinh ra, lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập, họ đã và đang được thừa hưởng những thành quả của nền hòa bình, độc lập dân tộc do các thế hệ cha anh đem lại. Trước những nội dung, yêu cầu mới của công cuộc đổi mới, trước những tác động cả thuận lợi và khó khăn, của cả thời cơ và thách thức, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Thứ nhất, phải giáo dục cho thanh niên có nhận thức đầy đủ, có khát vọng vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ.

Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về giá trị chân, thiện, mỹ có thể coi là hành trang đầu tiên của mỗi cá nhân trước khi hội nhập vào đời sống cộng đồng, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay vốn sinh ra, lớn lên trong một môi trường chịu nhiều những tác động cả tích cực và tiêu cực từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước. Nhiều giá trị văn hóa của dân tộc, giá trị đạo đức trong đời sống cộng đồng, trong mỗi gia đình dường như đang bị mai một trước xu thế hội nhập, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Một bộ phận thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời đang rất thiếu những hiểu biết cơ bản về giá trị cuộc sống, họ lúng túng trong phân biệt đâu là giá trị đích thực, đâu là sự hư vinh giả tạo. Điều đó dẫn đến hoặc là chạy theo lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, với lối sống hưởng thụ, hoặc là buông thả, phó mặc cuốn theo những tệ nạn xã hội.

Những xu hướng đó đều dễ dẫn tới những nhân cách lệch lạc, tổn hại cho chính bản thân họ và cho cả cộng đồng. Bởi vậy, trong những nội dung giáo dục cho thanh niên, trước hết cần quan tâm trang bị cho họ những kiến thức, những hiểu biết về đạo đức, đạo lý, về truyền thống văn hóa của dân tộc. Dù rằng, những nội dung đó đã được trang bị cho mỗi người thanh niên từ trong nhà trường, trong mỗi gia đình từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi mà kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều, do vậy, họ vẫn đang rất cần sự quan tâm giáo dục, nâng đỡ của các thế hệ đi trước. Trên cơ sở những kiến thức, những hiểu biết cơ bản về giá trị chân, thiện, mỹ, cần hướng cho thanh niên biết đấu tranh để giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, của quê hương nơi mà họ sinh ra, lớn lên.

2. Thứ hai, giáo dục cho thanh niên hiểu biết những giá trị trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cho thế hệ trẻ. Theo Người, việc hiểu biết đầy đủ những giá trị truyền thống trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước là trách nhiệm của mỗi công dân, nhất là với thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ hôm nay là những người được thừa hưởng những thành quả của biết bao thế hệ cha ông để lại. Trách nhiệm của họ là phải biết tri ân công lao của cha ông, phải viết tiếp những trang sử mới của dân tộc bằng những nỗ lực trên mặt trận lao động, sản xuất, học tập và công tác để nước ta thực sự là dân giàu, nước mạnh. Đúng như lời Bác dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Việc giáo dục những giá trị trong truyền thống đấu tranh dựng nước, lịch sử hào hùng của dân tộc cho thanh niên cần được bắt đầu từ rất sớm, từ trong mỗi gia đình với những bài học về đạo đức, về lòng biết ơn, sự tự hào với ông cha, với dân tộc; trong nhà trường với những kiến thức cần thiết và những phong trào, hoạt động tri ân, tưởng nhớ công lao của những anh hùng dân tộc, tôn vinh những tấm gương trong xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh…; và sự quan tâm góp sức của xã hội để thanh niên từng bước đảm nhận, gánh vác trách nhiệm của mình trước non sông, dân tộc qua các phong trào xã hội mà thanh niên đóng vai trò xung kích.

3. Thứ ba, bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trải qua bao năm bôn ba nơi hải ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường duy nhất đúng đắn cho cách mạng nước ta là đấu tranh để giành cho được độc lập dân tộc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất để đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành những người làm chủ vận mệnh của bản thân và làm chủ cả xã hội. Những biến động khó lường của cách mạng thế giới những năm qua, với những hậu quả từ sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế càng cho thấy sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của Người.

Để thực sự xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần bồi dưỡng cho thanh niên hiểu và nắm vững mục tiêu, lý tưởng của Đảng, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn để rèn luyện, phấn đấu, phụng sự cho sự nghiệp cao cả đó. Đây là quá trình lâu dài, công phu, và muốn đạt được thành công, chúng ta phải luôn nhớ tới sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, đó là phải thông qua các phong trào thực tế của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp kiến thức trong nhà trường với kiến thức chính trị - xã hội… Từ đó, thanh niên thấm nhuần và khắc sâu về lý tưởng của thế hệ mình, biến nhận thức thành hành động tự giác qua các phong trào cách mạng, trong ứng xử hằng ngày.

4. Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Thường xuyên nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Mỗi tổ chức đảng cần nhận thức rõ: việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là chuẩn bị đội dự bị tin cậy bổ sung lực lượng cho Đảng. Vì vậy, cấp ủy đảng các cấp cần có kế hoạch cụ thể trong công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ bằng các biện pháp thiết thực, hiệu quả, mạnh dạn bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Phát huy vai trò gương mẫu của mỗi đảng viên trong công tác tuyên truyền thanh niên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; giúp đỡ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ trưởng thành, tiến bộ.

Sự lớn mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc trong tương lai phụ thuộc vào chất lượng của công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện tại. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của Người. Tương lai của dân tộc sẽ vững vàng, vẻ vang sánh vai với các “cường quốc năm châu” nếu như chúng ta thực hiện đúng những lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Người./.

 

Đăng nhận xét

 
Top