Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam tạm đi qua và mọi việc đang dần bình thường trở lại. Với việc tiêm phủ vaccine đạt tỷ lệ cao, số ca nhiễm giảm nhanh nhờ các biện pháp giãn cách, mọi người đều phấn khởi khi Chính phủ đưa ra các biện pháp nới lỏng dần việc đi lại và giao thương, giúp cuộc sống bình thường trở lại. Thế nhưng, VOA Tiếng Việt lại đứng ra tạt một gáo nước lạnh với cái tít “Khó khăn chồng chất sau thời giãn cách”.



Ai đã từng xem bộ phim tài liệu “Ranh giới” của VTV chắc hẳn sẽ thấy rùng mình vì sự khủng khiếp của dịch bệnh. Những phòng cấp cứu chật kín bệnh nhân đang kiệt sức vì Covid-19, được bác sỹ úp lên một cái mặt nạ để trợ thở với lời nhắn “cố mà thở đi, bây giờ có oxy là quý lắm rồi”. Nhiều người khác kiệt sức hơn không thể tự thở được nữa, phải dùng đến 1 đoạn ống thông vào khí quản để bơm hơi vào trong và mạng sống bắt đầu bị đe dọa. Trong số đó, có những phụ nữ đang mang thai và bác sỹ buộc lòng báo người nhà xin bỏ thai để hỗ trợ cho người mẹ đang gắng sức. Những người không may mắn nhất thì suy kiệt nặng, và ra đi dù được các y bác sỹ hết sức cứu chữa. Các y bác sỹ thì vật lộn ngày đêm với các bình oxy, máy móc, đón bệnh nhân mới, cấp cứu bệnh nhân cũ, và có những khoảnh khắc đau lòng họ ngồi tê dại không nói lên lời vì bất lực không thể cứu sống được bệnh nhân. Hãy nhớ đến TP.HCM và cả nước trong những ngày cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với hơn 300 người qua đời mỗi ngày và hàng chục nghìn người dương tính, bắt đầu nhiễm bệnh. Phố xá lúc đó thật thê lương, chắc hẳn mọi người ở nhà nghe tiếng còi xe cấp cứu hú ngày đêm, những nhà tang lễ chật kín, quá tải, đêm cũng như ngày.



“Ranh giới” giữa sự sống và cái chết thật khủng khiếp, ai đã từng xem bộ phim đó hoặc trải qua hoàn cảnh đó chắc chắn sẽ thấy mình thật may mắn vì không phải ở đó. May mắn vì dịch bệnh chưa lan tới chỗ mình, may mắn vì mình và người thân vẫn an toàn khỏe mạnh, vì vẫn được bình yên. Trong cái thời khắc đen tối đó, những thứ bình thường trở nên đáng giá hơn bao giờ hết, và chắc chắn người ta sẽ hiểu sâu sắc ý nghĩa của các biện pháp giãn cách xã hội là để bảo vệ chính bản thân mình, người thân của mình, cuộc sống của mình. VOA Tiếng Việt nghĩ gì khi nói: khó khăn chồng chất sau giãn cách? Đó phải chẳng là vì sự vô cảm? Hay sự ngu dốt? Hay bởi cái tâm hẹp hòi không bao giờ có thể nói những điều tử tế?

Giãn cách xã hội – thứ mà những kẻ như VOA Tiếng Việt luôn vịn vào đó để cho rằng Việt Nam gây khó khăn cho người dân, lại là chính sách phổ biến thời dịch bệnh của hầu hết các nước trên thế giới, ngay cả những quốc gia mà người dân thích tự do nhất như Mỹ. Thành phố Melbourne tại bang Victoria của Úc còn là thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới. Khi hết giãn cách, người dân New York vui mừng vì vượt qua đại dịch, Thủ hiến bang Victoria tuyên bố “Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Hôm nay là một ngày mà người dân Victoria có thể tự hào về những gì họ đã đạt được”. Đó mới là cảm giác đích thực của những người đã phải nếm trải dịch bệnh, một cảm giác rất con người. Còn cái câu nói rỗng tuếch của VOA Tiếng Việt về “khó khăn chồng chất” có phải là những lời nên nói và đáng nói? Những nhân vật trong phóng sự của VOA Tiếng Việt: Một anh chủ cơ sở sản xuất nước tinh khiết vẫn còn đủ tiền trả lương cho nhân viên, một chị công chức vẫn nhận lương đều đều hàng tháng, một bà viên chức tại một cơ quan to… có phải thực sự khó khăn không?

Để đặt đoạn kết cho bài báo rỗng tuếch của mình, VOA Tiếng Việt viết: “Trái với tâm trạng hân hoan của một số bạn trẻ khi Hà Nội mở cửa trở lại, hàng quán được đón khách…”. Có lẽ câu này cũng thể hiện cái tâm thế của VOA Tiếng Việt, khi chọn một cái nhìn sai trái đối lập với sự vui mừng của cả một xã hội mới đi qua những ngày tăm tối để đón ánh bình minh, VOA Tiếng Việt chọn cho mình một góc còn tối để chui vào và cố nặn cho ra những điều không tử tế.

  

Đăng nhận xét

 
Top